Toàn cảnh hội thảo |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng xanh (TTX) là nội dung quan trọng của phát triển bền vững, là phương thức phát triển kinh tế theo hướng nhanh, hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần giảm nhẹ và phòng chống tác động của biến đổi khí hậu. TTX dựa trên việc tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Thúc đẩy TTX nhằm xây dựng nền kinh tế xanh là mô hình phát triển được nhiều nước trên thế giới theo đuổi nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng tăng trưởng, thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng theo hướng vền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người.
Tại Việt Nam, ông Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài Nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Sau 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX theo Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được những kết quả bước đầu. Thể hiện rõ nhất qua việc khung khổ chính sách liên quan đến TTX đã dần được hoàn thiện. Cùng với đó, nhận thức của tầng lớp nhân dân về TTX cũng thay đổi theo hướng tích cực.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Đức Chung - Nhóm tư vấn về TTX (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Nhờ khung khổ chính sách liên quan đến TTX được hoàn thiện, rất nhiều tổ chức quốc tế đã dành sự quan tâm đặc biệt đến TTX tại Việt Nam. Theo đó, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài dành sự quan tâm đặc biệt đến TTX tại Việt Nam. Các dự án liên quan đến nông nghiệp sạch, phát triển năng lượng tái tạo, phát triển bền vững,… được nhiều nhà đầu tư đến từ Đan Mạch, Đức, Anh, Hoa Kỳ quan tâm.
Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, song các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, bên cạnh những Bộ, ban ngành thực hiện nghiêm túc Chiến lược TTX, vẫn còn những đơn vị chưa thực hiện tốt. Cụ thể, mặc dù đã có 34/63 địa phương trên cả nước ban hành kế hoạch hành động về TTX, song trong số đó có không ít các địa phương ban hành ra nhưng không thực hiện và không có những hành động cụ thể, thiết thực tham gia vào TTX.
Ông Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Có rất nhiều nguyên nhân khiến các Bộ, ngành, địa phương chưa tích cực trong thực hiện TTX, trong đó một trong những nguyên nhân chủ yếu theo ông Lê Đức Chung là do các cơ chế chính sách hướng dẫn thực hiện TTX vẫn còn hạn chế. Cùng với đó, sự phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan chức năng trong phát triển TTX chưa được tốt, không kích thích được doanh nghiệp và người dân tham gia.
Không chỉ hạn chế trong sự phối hợp, bà Lê Hoàng Anh - Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Yêu cầu của TTX là lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, để lồng ghép được lại không đơn giản. Đơn cử như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện rất nhiều chương trình chống biến đổi khí hậu, và thường được yêu cầu lồng ghép các chương trình này vào TTX. Song việc lồng ghép là rất khó, vì đây là hai chương trình hoàn toàn khác nhau, hướng tới những mục tiêu khác nhau.
Đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng: Tín dụng cho TTX cũng là một trong những yếu tố quan trọng, song hiện nay vẫn chưa có các khung khổ chính sách cho vấn đề này, nên nhiều ngân hàng vẫn không có căn cứ để cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam.
Để Chiến lược TTX đạt được những kết quả tích cực hơn nữa, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đẩy mạnh phối hợp trong hành động của các Bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn tư nhân tập trung vào lĩnh vực này.