Thúc đẩy hợp tác Việt Nam- Pháp trong lĩnh vực kinh tế
Toàn cảnh đối thoại |
Tại buổi đối thoại, ông Jean- Baptiste Lemoyne- Quốc vụ khanh bên cạnh Bộ trưởng châu Âu và ngoại giao Pháp đánh giá cao những kết quả tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng vào năm 2017. Về quan hệ thương mại giữa hai nước, năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 4,6 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2016. Trong đó, chủ yếu là do Việt Nam xuất khẩu vào Pháp.
Về đầu tư, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương: Tính đến năm 2017, Việt Nam đã thu hút được 2,78 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp Pháp, với kết quả này, Pháp xếp thứ 16/128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 9 dự án với 3,46 triệu USD.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Pháp cũng là đối tác hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn của Việt Nam trong số các quốc gia châu Âu, với số vốn giải ngân đạt hơn 2 tỷ euro trong 10 năm trở lại đây. ODA của Pháp tập trung vào các lĩnh vực như: Tài chính, y tế, giáo dục, giao thông, cơ sở hạ tầng nông thông, đào tạo nghề…
Trong số các dự án ODA của Pháp tại Việt Nam phải kể đến dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội- tuyến số 3. Đây là dự án biểu tượng cho hợp tác Việt Nam- Pháp. Ngoài ra, các dự án ODA của Pháp đều liên quan đến các ngành phát triển chiến lược của Việt Nam trong những năm tới, thông qua những dự án này, Pháp luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kinh nghiệm tiên tiến mà các doanh nghiệp Pháp đã tích lũy và phát triển.
Tại cuộc họp, hai bên cũng trao đổi về các vấn đề xâm nhập thị trường, đặc biệt trong các lĩnh vực thực phẩm. Tuy vẫn còn tồn tại một số rào cản, nhưng đây là những lĩnh vực đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua, đồng thời đánh giá cao thành công của Triển lãm Food Expo mà Pháp là nước khách mời danh dự vì khoai tây Pháp đã được thị trường Việt Nam mở cửa vào tháng 11/2017.
Hợp tác kinh tế Việt Nam- Pháp đã đạt được những kết quả tích cực trong những năm gần đây, tuy nhiên, tại cuộc đối thoại hai bên cũng nhận thấy dư địa cho tăng trưởng còn rất lớn. Theo đó, để thúc đẩy tăng trưởng, hai bên cần tích cực hơn nữa trong việc trao đổi thông tin về thị trường, sản phẩm và môi trường đầu tư, trong thời gian tới.