BHXH Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lao động tham gia BHXH. Ảnh minh họa |
Để khắc phục tình trạng trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động bằng hình thức chỉ ký kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng đối với công việc có tính chất thường xuyên trên 12 tháng, tại điểm a, điểm b, khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 đã quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động và người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Theo khoản 1 Điều 124 Luật BHXH năm 2014, đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng được tham gia BHXH bắt buộc kể từ ngày 1/1/2018. Nhiều nhận định cho rằng, quy định của Luật BHXH đã kịp thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động làm việc trong doanh nghiệp, tiến tới chấm dứt tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách, kẽ hở của pháp luật để lách luật, vi phạm chế độ về BHXH nói chung và Bộ luật Lao động nói riêng đối với người lao động. Đồng thời, người lao động sẽ tham gia BHXH bắt buộc ngay từ đầu, quyền được thụ hưởng các chế độ, chính sách về BHXH sẽ được đảm bảo và kịp thời hơn.
Phía đại diện cơ quan BHXH cho biết, trong trường hợp nếu phát hiện doanh nghiệp liên tục vi phạm, ký kết hợp đồng lao động nhưng không lập danh sách người lao động tham gia BHXH bắt buộc, ngoài việc sẽ bị cơ quan chức năng lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính do hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động, khoảng thời gian doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động khi ký kết hợp đồng lao động sẽ bị cơ quan BHXH truy đóng và bị tính lãi suất chậm đóng theo quy định hiện hành. Đây cũng là điều kiện để doanh nghiệp cân nhắc khi tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động đối với người lao động.
Cũng từ năm 2018, phải tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Để triển khai thực hiện quy định của Luật BHXH, tiếp tục đẩy mạnh lao động tham gia BHXH, BHXH Việt Nam cam kết sẽ cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp sổ, thẻ cho người tham gia mới. Hiện luật quy định thời gian là 20 ngày nhưng theo đại diện BHXH Việt Nam, cơ quan này sẽ rút ngắn chỉ còn 7 ngày với người mới tham gia. Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, việc này đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan BHXH, bởi nhóm đối tượng trên biến động nhiều, ý thức của chủ sử dụng lao động không muốn bỏ thêm khoản chi phí đóng BHXH. Tuy nhiên, theo ông Thọ, Luật đã quy định thì trách nhiệm của các cơ quan, đặc biệt cơ quan BHXH sẽ phải phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý lao động để nắm bắt, đôn đốc thu.
Ngoài ra, theo ông Thọ, việc ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thủ tục hồ sơ thì cơ quan BHXH hoàn toàn làm được, nhưng làm sao để biết được đối tượng thuộc diện 1-3 tháng để đưa vào quản lý là một thách thức. “Song, quy định của Nhà nước mở rộng nhóm đối tượng này rất tích cực, bởi bên cạnh mở rộng được đối tượng tham gia BHXH, còn giúp hạn chế được tình trạng chủ doanh nghiệp chỉ ký các hợp đồng lao động dưới 3 tháng để lách luật" - ông Thọ nhấn mạnh.