Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững
|
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Huy Hoàn - Vụ Phó Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương - nhấn mạnh: Sản xuất và tiêu dùng được xem là bền vững khi việc sản xuất và tiêu dùng đó đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của hiện tại, đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, đồng thời giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các vật liệu độc hại, giảm thiểu lượng chất thải phát tán ra môi trường trong suốt vòng đời từ khâu khai thác nguyên liệu, sản xuất, chế biến, đến phân phối, tiêu dùng và thải bỏ. Sản xuất và tiêu dùng bền vững được đánh giá là hướng đi quan trọng để kết nối các vấn đề phát triển và môi trường.
Trên thế giới, từ Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hiệp quốc tổ chức tại Rio de Janeiro vào năm 1992, khái niệm về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP) đã được đề cập và mười năm sau, tại Hội nghị Thế giới về Phát triển bền vững tại Johannesburg, các nhà lãnh đạo thế giới đã ký Kế hoạch Thực thi Johannesburg, trong đó đã nhấn mạnh “Thay đổi những phong cách sản xuất và tiêu dùng thiếu bền vững”.
Đến nay, hầu hết các vùng trên thế giới đã phát triển được các chiến lược SCP. Việt Nam cũng đã tích cực triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án và hoạt động có liên quan, đồng thời tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung chính sách nhằm phù hợp với xu hướng và điều kiện mới. Tuy nhiên, từ kết quả triển khai các chương trình/đề án này cho thấy, việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại theo hướng phát triển bền vững còn chậm và nhiều hạn chế, trên thực tế chưa tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ. Trong bối cảnh trên, Bộ Công Thương đã được giao nhiệm vụ xây dựng Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2015. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng Dự thảo Chương trình, đồng thời tổ chức lấy ý kiến và bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, ngành, tổ chức và cá nhân liên quan.
Dự thảo Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ chính, theo các khâu trong vòng đời sản phẩm, đồng thời chỉ ra 9 dự án ưu tiên, trong đó, “Đổi mới sinh thái” được xem là một công cụ hữu hiệu, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững của Việt Nam giai đoạn tới.
Dù diễn ra trong 1 ngày song hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến góp đối với Dự thảo Chương trình và Lộ trình thực hiện đổi mới sinh thái ở Việt Nam cũng như các sáng kiến giúp Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của chương trình trong thời gian tới.