Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong ngành y tế
Theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019, Chính phủ yêu cầu 100% trường học, bệnh viện… trên địa bàn đô thị phải thu học phí, viện phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, máy POS. Nhiệm vụ này được Chính phủ yêu cầu hoàn thành trước tháng 12/2019.
Thanh toán không tiền mặt giúp giảm tải cho ngành y tế |
Nắm bắt chủ trương này, từ tháng 5/2019, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh triển khai ứng dụng ngân hàng hiện đại trong thanh toán viện phí. Cụ thể, này đã phối hợp với Ngân hàng Vietcombank triển khai hình thức thanh toán mới trên nền tảng Internet Banking (Thanh toán hóa đơn) và điểm mới là thanh toán bằng Mobile Banking (QR Code). Đến nay, đã có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán viện phí bằng QR code tại bệnh viện. Tiện ích này giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn.
Anh Nguyễn Văn Tuyên - Người bệnh đến khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ, với hình thức thanh toán mới này rút ngắn thời gian khám bệnh rất nhiều và anh đã không cần phải xếp hàng chờ đến lượt đóng tiền nữa.
Tương tự, để ứng phó với thực trạng “quá tải”, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã liên tục nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc phối hợp với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) để triển khai giải pháp “Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt”. Với việc liên kết này, người bệnh có thể sử dụng linh hoạt các hình thức thanh toán đa dạng như qua thẻ ATM, Internet Banking, máy Kiosk Banking của VietinBank mà không cần phải xếp hàng hay mang theo tiền mặt.
Mặc dù được đánh giá cao nhưng trên thực tế, việc triển khai thanh toán không tiền mặt đã được các bệnh viện triển khai từ lâu nay song hiệu quả tới nay vẫn chưa cao bởi thói quen dùng tiền mặt của người dân còn phổ biến. Đơn cử Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) dù đã triển khai hình thức này từ cuối năm 2013 nhưng tới nay việc thanh toán mới chỉ mới triển khai được một vài khoa và chưa thể triển khai đại trà vì mỗi ngày tiếp nhận khám và điều trị cho gần 10.000 lượt bệnh nhân từ khắp nơi đổ về nên không phải ai cũng hiểu và nắm được quy trình thanh toán không dùng tiền mặt.
Hay Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đã triển khai việc thanh toán viện phí qua thẻ từ lâu nhưng nhìn chung vẫn ít người lựa chọn. Rào cản lớn nhất được ban giám đốc bệnh viện này chỉ ra là do lượng bệnh nhân từ các tỉnh, thành tới rất nhiều và phần lớn đối tượng này không dùng thẻ.
TS. Thái Hoài Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh – thừa nhân: Dù là một trong những đơn vị đầu tiên thuộc hệ thống y tế trên toàn quốc áp dụng ngân hàng hiện đại trong thanh toán viện phí, cung cấp tiện ích cho người dùng khi đến khám, chữa bệnh song việc triển khai dịch vụ tiện ích này cũng đặt ra nhiều thách thức cho bệnh viện cũng như người bệnh, người nhà người bệnh tại các tỉnh thành đến khám, chữa bệnh.
“Để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, chúng tôi đã tăng cường công tác truyền thông, tổ chức các buổi tập huấn cho nhân viên y tế, tăng cường đội ngũ chăm sóc khách hàng, thư ký y khoa, công tác xã hội, tình nguyện viên,… trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh hiểu được lợi ích cũng như thuần thục các thao tác thanh toán viện phí” - TS. Thái Hoài Nam cho biết thêm.
Theo giới chuyên gia, thanh toán không tiền mặt không chỉ là quẹt thẻ, trả tiền qua thẻ mà còn cả hệ sinh thái của doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ công về quản trị hệ thống, kết nối dữ liệu đồng bộ, tích hợp thêm nhiều tính năng như đặt lịch hẹn, chăm sóc khách hàng qua mạng…Do đó muốn thúc đẩy việc thanh toán không tiền mặt phổ biến rộng rãi thì hệ sinh thái này cần hoàn chỉnh và cũng cần phải truyền thông để người dân hiểu được lợi ích của việc thanh toàn này.