Lợi ích từ điện
Theo báo cáo của EVN, đến cuối năm 2021, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ tại 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ (Lai Châu), EVN đã cung cấp điện cho 106/106 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 100%; số hộ có điện là 102.568/104.959 hộ, đạt tỷ lệ trên 97,7%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tổng chi đầu tư phát triển lưới điện nông thôn trên địa bàn 3 huyện giai đoạn 2009-2021 đạt trên 848 tỷ đồng. (Năm 2008, trong tổng số 40 xã của 3 huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ, còn đến 11 xã (gần 30%) và tới hơn 18.000 hộ dân (59%) chưa có điện).
Hỗ trợ xây dựng trường học kiên cố, khang trang |
Để có được thành quả này, EVN đã sử dụng các nguồn vốn đầu tư lưới điện nông thôn qua các dự án: Năng lượng nông thôn II sử dụng vốn vay Ngân hàng thế giới (WB); phát triển năng lượng tái tạo và mở rộng cải tạo lưới điện cho các xã vùng sâu, vùng xa sử dụng vốn vay ADB và Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Lai Châu.
Theo ông Trần Bảo Trung – Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, hệ thống lưới điện trên địa bàn huyện được đầu tư bài bản, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc đầu tư lưới điện đã làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt, đời sống của người dân; hoạt động tổ chức sản xuất cũng có sự thay đổi, là sự mở đầu cho đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Anh Nguyễn Xuân Khá - chủ cơ sở sản xuất doanh nghiệp tư nhân Đức Hạnh, tổ dân phố 5 thị trấn Tân Uyên - cho biết, kể từ khi có điện lưới (2015), gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư thêm máy móc để sản xuất chè với quy mô lớn hơn khoảng 20-25 tấn chè tươi; năng suất, chất lượng sản phẩm chè đã được nâng lên, chi phí giảm đi. “Trước làm thủ công cần đến cả chục công nhân, nay chỉ cần 1-2 người vận hành máy móc), giúp thu nhập ổn định hơn với khoảng 1 tỷ đồng/năm”- anh Nguyễn Xuân Khá chia sẻ.
Hiệu quả từ các công trình
Song song với việc cung cấp điện, EVN còn hỗ trợ 3 huyện nghèo của tỉnh Lai Châu nhiều chương trình khác như: Xóa nhà tạm cho 3.391 hộ nghèo với tiêu chí 3 cứng; hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo với 24 điểm trường (47 phòng học) tổng kinh phí 21,1 tỷ đồng; hoàn thành xây dựng và bàn giao 56 “nhà bán trú dân nuôi” tại các trường do UBND tỉnh lựa chọn với tổng chi phí 23,8 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 4 trường học tại các huyện Tân Uyên, Phong Thổ với tổng kinh phí 43,63 tỷ đồng.
EVN đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho nhiều học sinh là con em các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Cùng với hỗ trợ đào tạo nghề, EVN cũng triển khai và hoàn thành 10/10 mô hình sản xuất nông nghiệp ở 3 huyện Tân Uyên, Than Uyên, Phong Thổ với tổng kinh phí thực hiện là 4,8 tỷ đồng. Các mô hình đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu. EVN cũng hỗ trợ cứng hóa 72,7 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí thực hiện 12,76 tỷ đồng.
Bên cạnh các chương trình hỗ trợ chính, EVN còn triển khai các hoạt động hỗ trợ về y tế, ủng hộ đồ dùng thiết yếu cho các em học sinh bán trú và hỗ trợ sửa chữa, hướng dẫn hộ nghèo, hộ dân tộc, các hộ dân tái định cư sử dụng điện an toàn, tiết kiệm; mua bảo hiểm y tế cho học sinh…
Nhờ các chương trình hỗ trợ của EVN, kinh tế - xã hội huyện Phong Thổ đã có nhiều thay đổi; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2021 chỉ còn hơn 8%; cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, tỷ trọng sản xuất công nghiệp và xây dựng đã tăng lên đáng kể, bộ mặt nông thôn có sự chuyển biến hàng ngày.