TPCN bày bán tràn lan trên thị trường |
Liên tiếp vi phạm
Hiện tại, các sản phẩm thực phẩm chức năng được bán tràn lan trên thị trường và không ít người tiêu dùng đã bỏ ra khoản tiền lớn mua trong khi chưa biết thực tế chất lượng sản phẩm. Không chỉ có vậy, nhiều loại thực phẩm chức năng còn mập mờ về sản phẩm, xuất xứ, hỗn loạn về giá. Nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng đội lốt nhãn hàng xuất xứ châu Âu, châu Á nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Theo Cục ATTP (Bộ Y tế), ngày 20/3, Cục quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 công ty, vi phạm về quảng cáo TPCN. Trong đó, có 4 công ty quảng cáo TPCN khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo gồm: Công ty CP sản xuất thương mại An Khánh Thịnh; Công ty TNHH Grow Green AZ; Công ty TNHH Viện dinh dưỡng Cộng Đồng; Công ty TNHH AZN Việt Nam. Riêng Công ty CP Nam Dược bị xử phạt vì thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng với nội dung quảng cáo không đúng với nội dung đăng ký. Tổng số tiền phạt là 80 triệu đồng
Trước đó, chỉ trong 4 ngày (từ ngày 9 đến 13/3), Cục ATTP cũng đã phát hiện 5 công ty có vi phạm hành chính về ATTP, với tổng số tiền phạt 75 triệu đồng do quảng cáo không đúng chất, đúng hàm lượng trong TPCN và chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Còn trong tháng 2/2015, đã phát hiện 15 cơ sở sản xuất TPCN vi phạm do chứa những chất cấm, quảng cáo không đúng sự thật của sản phẩm, quảng cáo có nội dung chưa được cơ quan chức năng phê duyệt…
Kết quả kiểm nghiệm gần đây của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng ghi nhận mẫu sản phẩm viên giảm cân Perfect Slim USA, do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Khổng gia nhập khẩu có chứa chất sibutramine – một chất gây chán ăn, mất nước để giảm cân nhanh - đã bị Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA - Mỹ) đưa vào danh sách cấm.
Nhiều sản phẩm TPCN vi phạm bị bắt giữ |
Xử lý mạnh tay
Theo Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có khoảng 1.781 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN. Từ năm 2000 đến nay có có khoảng 10.000 TPCN được công bố và lưu hành tại Việt Nam, trong đó có khoảng 40% là nhập khẩu, còn 60% là sản xuất trong nước.
Thực tế, tình trạng quảng cáo TPCN không đúng với nội dung khá phổ biến. Nhiều quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng không đúng với nội dung cơ quan chuyên môn thẩm định. Mặt khác, xảy ra tình trạng quảng cáo TPCN theo phương thức quảng cáo truyền miệng, nhất là ở một số doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Một số doanh nghiệp kinh doanh đa cấp không theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng đã quảng cáo không đúng sự thật, dẫn đến thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, còn có một số TPCN đi theo con đường như hàng xách tay, nhập lậu…
Để siết chặt hoạt động quảng cáo TPCN, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, tới đây Cục sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thực hiện công khai để người dân và các cơ quan quản lý cùng biết. Ngoài xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục ATTP sẽ buộc các cơ sở dừng ngay hành vi vi phạm; tháo gỡ các nội dung quảng cáo sai quy định; đồng thời hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng các quy định pháp luật về ATTP. Cục ATTP cũng quy định sẽ thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP đã cấp.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có uy tín và được cơ quan chức năng cấp phép rõ ràng, không nên quá tin vào những lời quảng cáo, nhất là truyền miệng, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe chính mình và gia đình.