CôngThương - - Có ngay đây. Ông còn nhớ câu chuyện “chè bẩn” mới đây không?
- À, có. Nhưng chuyện mấy anh nông dân “hồn nhiên” trộn đủ thứ trên đời vào chè được quay trên tivi thì có gì liên quan đến thương hiệu và những cuộc chiến cơ chứ.
- Cứ để tôi nói. Những chiêu như nhái, giả nhãn mác, thương hiệu giờ tuy vẫn còn nhưng đã thành kinh điển rồi. Cuộc chiến nhằm vào các thương hiệu giờ không chỉ cạnh tranh mà chuyển sang khốc liệt hơn rất nhiều.
- Nghĩa là hạ gục cả thương hiệu.
- Đúng. Không chỉ là thương hiệu của một nhà sản xuất thôi đâu mà còn của cả một ngành hàng, nghĩa là tầm quốc gia. Ông xem Tam Quốc có nhớ những trận chiến đánh theo lối vu hồi không?
- Nghĩa là vòng ra sau để đánh khiến đối phương trở tay không kịp?
- Câu chuyện “chè bẩn” là một điển hình cho lối hạ gục thương hiệu hàng hóa của cả một quốc gia đấy.
- Ông nói cụ thể đi, tự nhiên tôi thấy hấp dẫn quá.
- Cũng dễ hiểu thôi. Bà con ta một sương hai nắng, cố sao bán được hàng. Nước ngoài bảo phải làm thế này, thế này cho hàng đẹp hơn, bán chạy hơn. Chè Việt Nam đâu chỉ xuất riêng tới nước đó, mà còn từ nước đó tới nước thứ ba, thứ tư. Đùng một cái những hóa chất rồi “tạp pí lù chất” được trộn vào chè bị “lòi” ra. Người tiêu dùng nhiều nước kỹ tính “gút bai” chè Việt Nam. Đến lúc này thiệt hại ai gánh ngoài bà con ta?
- Ồ, thảo nào cổ nhân vẫn bảo “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”.
- Khi ấy mà trách bà con theo lối “dân trí thế này thế nọ” cũng tội, họ bán hàng cốt sao không phạm luật “của ta”. Thế thôi.
- Nghĩa là còn những lực lượng khác cần vào cuộc ngay tắp lự.
- Đúng vậy. Nhà nước, hiệp hội, rồi cả báo chí nữa. Thấy thỉnh thoảng có vụ việc này nọ liên quan đến tiêu thụ nông sản, dư luận ồn cả lên thì mới thấy cơ quan này, cơ quan nọ lên tiếng? Bình thường thì họ làm gì nhỉ?
- Câu hỏi của ông “vĩ mô” quá. Tôi thì hiểu đơn giản thế này thôi. Ta bây giờ sản xuất lớn rồi. Nông sản xuất nhiều, ắt tích tụ thành giá trị rồi thành thương hiệu. Cho nên phát triển nông nghiệp cũng nên có hẳn một chiến lược tạo dựng, giữ cho được thương hiệu nông sản. Công thủ rõ ràng.
- Mà đây là lợi ích hai chiều đấy nhé.
- Nghĩa là quốc gia có lợi thì bà con cũng lợi và ngược lại.