Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ các Sở Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất tại nhiều tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các nhà phân phối, các đơn vị cung ứng các giải pháp công nghệ nhằm tối ưu hóa hiệu quả thương mại cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.
Hội nghị nhằm tạo cầu nối gắn kết nhà sản xuất với nhà phân phối, người tiêu dùng; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - cung ứng - tiêu thụ với các sản phẩm “hàng Việt Nam chất lượng cao”, giá thành hợp lý và tạo ra các kênh tiêu thụ ổn định trong bối cảnh hội nhập kinh tế; bên cạnh đó, giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp các ứng dụng công nghệ, giải pháp truyền thông marketing, giải pháp thương mại điện tử tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, sản xuất, tăng niềm tin của người tiêu dùng.
Sản phẩm kết nối cung cầu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, công tác kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại đã mang lại một số kết quả bước đầu quan trọng, góp phần bình ổn thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thiết lập chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng và xuất khẩu… Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ năm 2015 đến nay đã có 50 hội nghị kết nối cung cầu quy mô cấp vùng, hàng trăm hội nghị cấp địa phương thu hút hàng nghìn doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên cả nước với hàng nghìn biên bản ghi nhớ giữa các nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối được ký kết, tạo tiền đề và sức lan tỏa mạnh mẽ cho chương trình.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đến từ nhiều địa phương trong cả nước đã cùng trao đổi, tương tác về các loại thế mạnh, trao đổi nhu cầu hợp tác, tìm kiếm đối tác, khách hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn được lắng nghe các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử giới thiệu các ứng dụng, giải pháp thương mại điện tử nhằm phát huy lợi thế của thương mại điện tử trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
Ông Tuấn Hà - CEO Vinalink |
Theo ông Tuấn Hà – CEO Vinalink - việc các doanh nghiệp Việt “rủ nhau” lên “sàn thương mại điện tử” là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế. Tham gia thương mại điện tử đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tiết giảm được chi phí, nhân công và đặc biệt là doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc liên tục thay đổi và thích ứng. Ông Tuấn Hà cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp chuyên sản xuất khi ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử; các lưu ý và pháp lý khi giao dịch thương mại xuyên biên giới, hoặc các lưu ý cho doanh nghiệp để việc tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử có hiệu quả.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được thông tin, tiếp cận và trải nghiệm các dịch vụ, giải pháp bán hàng trực tuyến như kinh doanh Omni – channel, sử dụng ứng dụng chatbot trả lời khách hàng, sử dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm….
Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tại hội nghị |
Ngay tại hội nghị, đã có 5 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng với các doanh nghiệp, nhà phân phối, giữa đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ với doanh nghiệp.