Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lý Quốc Hùng chủ trì hội nghị |
Với chủ đề “Thương vụ Việt Nam tự tin hội nhập”, chuỗi 17 hoạt động của Hội nghị Tham tán thương mại năm 2018 vừa diễn ra trong bối cảnh đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của ngành Công Thương trong quá trình tiếp tục đổi mới và tái cơ cấu ngành với mục đích quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội, Chính phủ giao cho năm 2018, tại chuỗi các Hội nghị Tham tán Thương mại lần này, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung nhìn nhận, đánh giá, đi thẳng vào giải quyết những vấn đề đang là hạn chế, cần đổi mới để phát triển ngành mạnh và bền vững.
Những đóng góp tích cực
Trong thời gian qua, các Thương vụ đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ do Bộ Công Thương và Cơ quan Đại diện của Việt Nam tại nước ngoài (CQĐD) giao với ý thức trách nhiệm, chủ động, đảm bảo đoàn kết phối hợp tốt với các bộ phận khác trong CQĐD.
Về hoạt động chuyên môn, hệ thống Thương vụ đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách thương mại để phát triển quan hệ thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam với nước sở tại, mở rộng thị trường ngoài nước; tích cực tham gia các hoạt động đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do; cung cấp nhiều thông tin về thị trường cho các Bộ, ngành và các doanh nghiệp để hỗ trợ việc tìm đối tác, tổ chức giao thương, giúp các doanh nghiệp tiếp cận, thâm nhập hiệu quả thị trường nước ngoài; chủ động phát hiện và tháo gỡ các rào cản thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam cũng như giải quyết các tranh chấp thương mại giữa nước ta và nước ngoài, bảo vệ tốt được quyền lợi kinh tế của quốc gia cũng như là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp tại nước ngoài.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết Hội nghị Tham tán thương mại 2018 |
Bên cạnh đó, nhiều Thương vụ đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, hội thảo về thương mại - đầu tư ở Việt Nam, Ngày Việt Nam tại nước ngoài, Ngày mua hàng Việt Nam và tham gia quảng bá cho hàng Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các hệ thống siêu thị của nước sở tại.
Các Thương vụ cũng đã tham gia với ý thức trách nhiệm cao và hoàn thành các nhiệm vụ được giao nhằm phục vụ tốt các chuyến thăm chính thức của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ của ta sang các địa bàn sở tại cũng như của Lãnh đạo các nước sở tại thăm Việt Nam và chuyến thăm của các Bộ, ngành, địa phương....
Trong hai năm 2016 và 2017, các Thương vụ tiếp tục thực hiện tốt Luật Cơ quan đại diện. Đến nay, về cơ bản Đại sứ quán đã coi trọng và quan tâm hơn đến hoạt động chuyên môn của Thương vụ với vai trò trước hết là cơ quan đại diện của Bộ Công Thương, sau đó là một phòng chuyên môn phụ trách lĩnh vực kinh tế của CQĐD. Đồng thời, các Thương vụ cũng nghiêm chỉnh chấp hành quy định tổ chức, chế độ họp, báo cáo, các hoạt động kiêm nhiệm và phối hợp theo quy định chung của Luật CQĐD và chỉ đạo của Trưởng Cơ quan Đại diện.
Bên cạnh những mặt tích cực, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra một số nội dung mà các Thương vụ cần lưu ý hơn nữa như tạo ra mối liên kết trực tiếp và thường xuyên hơn với các hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp; chủ động hơn nữa trong công tác nghiên cứu, thu thập thông tin, tư vấn chính sách và truyền tải thông tin đến các doanh nghiệp của các địa phương.
Khai thác hiệu quả FTA là yếu tố sống còn
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh biểu dương những thành quả của các Thương vụ, Tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài trong việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.
Bộ Trưởng cho rằng các Thương vụ, Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài cần tập trung thực hiện và triển khai quyết liệt các chương trình hành động, vì năm 2018 là năm bản lề cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm theo nhiệm kỳ của Chính phủ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị |
Trong bối cảnh mới còn nhiều diễn biến phức tạp và yếu tố khó lường, chứa đựng nhiều thử thách và cơ hội, Bộ trưởng yêu cầu các Thương vụ, Tham tán thương mại cần chuyển mình theo hướng kiến tạo, phục vụ tối đa cho các hoạt động doanh nghiệp, thúc đẩy hàng Việt Nam thâm nhập bền vững vào thị trường nước sở tại. Đồng thời, Thương vụ cần kết nối chặt chẽ với các Bộ, ngành của nước sở tại để tạo cơ sở thuận lợi khi giải quyết các vấn đề phát sinh.
Đặc biệt, việc khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà ta đã và đang ký kết là “nhiệm vụ sống còn” để đảm bảo thành quả chung của hội nhập. “Theo đó, các Thương vụ cần tập trung vào nhiệm vụ thúc đẩy phê chuẩn các FTA vừa ký, phổ biến các FTA đã ký, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp tận dụng FTA để đưa hàng Việt Nam tiếp cận thị trường sở tại cũng như vận động các doanh nghiệp nước sở tại hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để khai thác các cơ hội do FTA mang lại, và cùng phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh khi thực hiện hiệp định”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam
Tại Hội nghị, các Tham tán đã nêu ra những vấn đề còn tồn tại trong công tác xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài. Trong đó, đặc biệt lưu tâm tới vấn đề xây dựng thương hiệu.
Theo ông Đào Việt Anh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Trước đây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thu mua sản phẩm của Việt Nam, và thay thế thương hiệu của họ vào. Gần đây, nhiều sản phẩm Việt Nam như gạo, thanh long và café bắt đầu xuất hiện trên thị trường Trung Quốc với thương hiệu Việt Nam. Tuy nhiên, sự chủ động của các doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức bán bằng thương hiệu nhưng chưa chú trọng xây dựng quảng bá và bảo hộ thương hiệu.
Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc đã cảnh báo doanh nghiệp về vấn đề này nhưng các doanh nghiệp lại ít quan tâm, chỉ trao đổi về vấn đề tìm đối tác và các thủ tục mở văn phòng đại diện tại nước sở tại.
Các Tham tán đã nêu ra những vấn đề còn tồn tại trong công tác xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài |
Bà Vũ Việt Nga – Tham tán Thương mại tại Phillipines cho biết tại thị trường Phillipines, mặt hàng cá tra và cá ba sa được ưa chuộng. Tuy rằng, khẩu vị của hai loại cá này rất phù hợp với khẩu vị người dân, có mặt khắp nhà hàng và siêu thị tại Phillipines, nhưng thị trường lại không biết đó là sản phẩm của Việt Nam. Thương vụ tại Phillipines đã trao đổi với địa phương và các doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên, các Hiệp hội và doanh nghiệp lại ít quan tâm tới công tác quảng bá sản phẩm.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia cho rằng muốn tăng mức xuất khẩu, chúng ta cần lưu tâm tăng cường xuất khẩu các mặt hàng đổi mới và có giá trị gia tăng cao. Hiện nay, xuất khẩu từ Việt Nam vào Australia chủ yếu là xuất thô. Ví dụ, mặt hàng điều chiếm 90% thị trường nước bạn nhưng dưới hình thức là các doanh nghiệp Australia nhập khẩu hạt điều thô và chế biến lại, bán với giá cao.
Một ví dụ khác mà bà Thúy đưa ra, là mặt hàng cá tra được các doanh nghiệp trong nước ồ ạt xuất khẩu sang Australia dạng thô chỉ bán được với giá thấp. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn tập trung xuất khẩu theo hướng chế biến cá tra theo khẩu vị của người tiêu dùng Australia và bán được với giá cao.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các thương vụ phối hợp với Vụ tổ chức cán bộ làm đầu mối và các đơn vị khác trong ngành khẩn trương triển khai xây dựng chương trình hành động để đưa ra mục tiêu hoạt động cụ thể.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thương vụ |