CôngThương - TÔM, CÁ TRA VƯỢT ĐÍCH
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2011 đạt 3,7 tỉ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu tăng mạnh tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc và Italia theo thứ tự lần lượt là 42,7%, 57,3% và 45,1%. Giá trị xuất khẩu đạt mức cao do giá tôm xuất khẩu trung bình trong thời gian qua có sự tăng trưởng đáng kể, khoảng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với mức 9,53 USD/kg.
Thị trường thủy sản tại Nhật Bản vẫn chưa thực sự phục hồi do nhu cầu không cao. 6 tháng đầu năm 2011, tổng nhập khẩu tôm HLSO và HOSO nguyên liệu đạt 83.675 tấn, trị giá trên 86.675 triệu Yên (khoảng 836,8 triệu USD), giảm 3% về lượng và 2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình nhập khẩu là 819 Yên (10 USD)/kg.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep - cho biết, 8 tháng đầu năm xuất khẩu đã đạt xấp xỉ 3 tỉ USD, sản lượng tăng 5% nhưng đa số các mặt hàng tăng đến 20% về giá trị so với cùng kỳ. Dự báo, xuất khẩu thủy sản vượt 5,2 tỉ USD trong năm 2010. Tỷ trọng tôm thẻ chân trắng trong xuất khẩu sẽ tăng lên khoảng 200 nghìn tấn, tôm sú sẽ giảm từ 350 nghìn tấn còn 300 nghìn tấn. Kết hợp các yếu tố như tăng giá trên thị trường thế giới do sức mua hồi phục cộng với tình hình mất mùa của các nước xuất khẩu tôm thì kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này trong năm nay có thể đạt 2 tỉ USD, tương đương năm ngoái.
Tuy nhiên, ngược lại với dự báo của Vasep, Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NN&PTNT) lại cho rằng, thủy sản xuất khẩu năm nay ở mức 6 tỉ USD, giảm so với con số dự báo 6,108 tỉ USD do khó khăn về nguyên liệu.
NGUYÊN LIỆU VẪN KHÓ
Thiếu nguyên liệu, kéo theo giá nguyên liệu thủy sản trong nước tăng mạnh. Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Hùng Vương Dương Ngọc Minh - nhận định, giá cá tra biến động (tăng dần và xuống nhanh) trong thời gian qua là do người nuôi thiếu thông tin thị trường. Hiện nay, 70% lượng cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cỡ 700 - 850 gr/con, số còn lại (30%) là cỡ nhỏ. Nhưng người nuôi cá tra lại cố giữ cá lớn, hi vọng bán có giá, chứ không biết rằng DN chỉ dùng cá cỡ này với tỉ lệ hạn chế, dẫn đến giá cá thất thường.
Theo Vasep, nguyên liệu cá tra thiếu do đã thu hoạch xong lứa cá nuôi tháng 1 năm nay. Giá cá tra nguyên liệu tại nhiều tỉnh ĐBSCL đã tăng lên hơn 25 nghìn đồng/kg, do nhu cầu nguyên liệu chế biến bắt đầu tăng trở lại. Thiếu nguyên liệu không chỉ với cá tra, mặt hàng tôm cũng căng thẳng không kém. Nguy cơ thiếu cá tra vào các tháng cuối năm rất có khả năng xảy ra, do một thời gian dài cá tra rớt giá mạnh.
Giá tôm nguyên liệu có xu hướng tăng, cụ thể, giá tôm thẻ chân trắng từ 55-60 nghìn đồng/kg, tăng lên 85-93 đồng/kg; tôm sú loại 30 con/kg từ 160-175 nghìn đồng/kg, tăng lên 210-225 đồng/kg. Gần đây nhất, trong tuần qua, giá tôm sú tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục tăng nóng, đạt mức kỷ lục mới và nhiều nhà máy đang thiếu nguyên liệu nên dẫn tới cạnh tranh mua tôm, càng đẩy giá tôm sú lên cao. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cafatex VN Nguyễn Văn Kịch - cho biết: Thiếu nguyên liệu có dấu hiệu ngay từ đầu năm. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay chắc khó đạt mức năm 2010 (đạt 2,1 tỉ USD).
Với tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng như hiện nay, nhiều DN xuất khẩu thủy sản hiện đang đánh mất cơ hội làm ăn cũng như mở rộng thị trường. Dự báo, khan hiếm nguyên liệu có thể kéo dài đến hết năm nay, nhưng sẽ dồi dào trở lại vào đầu năm 2012. Phó chủ tịch Vasep - Nguyễn Thị Thu Sắc - cho hay: “Indonesia đã cấm xuất khẩu thủy sản nguyên liệu, Việt Nam nên nghĩ tới phương án này để ổn định nguồn nguyên liệu cho DN trong nước”.