Tiến độ giải ngân các gói tín dụng ưu đãi hiện nay ra sao?
Tại Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông tin về tiến độ giải ngân của một loạt gói tín dụng lớn.
Cụ thể bà Hà Thu Giang cho biết, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Xét theo ngành kinh tế, tạm tính đến cuối năm 2023, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản tăng 6,95%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 10,29%; ngành thương mại dịch vụ tăng 15,83%.
Tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, đến cuối năm 2023 tín dụng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 11,56%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 13,61%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 6,57%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao lần lượt tăng 26,18% và 17,52%.
Tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng giảm 0,6% so với cuối năm 2023 |
Còn đối với các lĩnh vực rủi ro, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tín dụng lĩnh vực này vẫn tiếp tục nằm trong tầm kiểm soát. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đến cuối năm 2023 tăng 7,83% so với cuối năm 2022, chiếm 21,19% dư nợ nền kinh tế. Tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến 31/1/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 336.431 tỷ đồng, tăng 1,36% so với tháng 12/2023 với gần 6,9 triệu khách hàng còn dư nợ (cuối năm 2023 tăng 17%).
Nói về kết quả một số chương trình, chính sách tín dụng, bà Hà Thu Giang cho biết, Chương trình cho vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu của chương trình cho trên 6.000 lượt khách hàng vay vốn.
Còn Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho 6 dự án với số tiền là 531 tỷ đồng và giải ngân cho người mua nhà với số tiền là 4,5 tỷ đồng.
Chương trình tín dụng 20.000 tỷ đồng cho công nhân theo thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 2 công ty tài chính HDSaison và FECredit, đã giải ngân cho công nhân khoảng 10.056 tỷ đồng.
Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, tổng lũy kế đến 31/12/2023, đã có gần 188 nghìn lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183,5 nghìn tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, lũy kế số tiền hỗ trợ lãi suất từ đầu chương trình đến 31/12/2023 (thời điểm kết thúc chính sách theo quy định) đạt khoảng 1.218 tỷ đồng cho gần 2.300 khách hàng.