Bước sang tháng thứ 4 ngồi nhà, chị Thu Minh (Ba Đình - Hà Nội), công nhân Nhà máy in tiền Quốc gia cũng không nghĩ có ngày mình phải nghỉ việc lâu đến thế. “Năm ngoái cũng nghỉ 4 tháng vì ít việc nhưng đã đi làm thì làm đến cuối năm. Còn năm nay thì khác, theo thông báo ngày 15/4 chúng tôi sẽ đi làm, nhưng cũng chỉ làm tầm 2 tháng rồi nghỉ khoảng 2 -3 tháng lại đi làm tiếp, rồi lại nghỉ. Tính ra năm nay cũng chỉ làm khoảng 4 tháng thôi. Cả nhà máy 600 công nhân đều nghỉ thế cả”, chị Minh ngao ngán nói.
Tiền mặt đang dần “biến mất”. Biểu hiện rõ nhất là công nhân nhà máy in tiền thiếu việc. Thực tế thì biểu hiện này đã manh nha 3 - 4 năm nay, đặc biệt rõ nét hơn từ sau đại dịch Covid-19 bùng phát, khi nhiều giao dịch thanh toán chỉ được ngồi ở nhà và ấn nút “OK”.
Nếu như mỗi kỳ họp báo cuối năm của Ngân hàng Nhà nước nhiều năm trước luôn “nóng” bởi các câu hỏi “cây ATM sẽ hoạt động ra sao, đảm bảo tiếp tiền như thế nào vào dịp Tết?”; “tiền mới năm nay có đủ không?”… thì 1 - 2 năm trở lại đây đã thành câu hỏi lỗi thời.
Không còn cảnh rồng rắn rút tiền tại ATM mỗi dịp cuối tháng, cuối năm; cũng không còn cảnh đôn đáo nhờ vả nhau đổi tiền mới. Tất cả chỉ cần dùng đến mã QR hoặc chuyển khoản.
Giờ đây đã không còn cảnh người dân xếp hàng rút tiền tại ATM mỗi dịp cuối tháng, cuối năm |
Đến học sinh cấp 3 được mở tài khoản hay dùng tài khoản phụ cùng bố mẹ cũng rõ điều này. Tiền mặt hầu như không có trong ví của bọn trẻ, xin tiền bố mẹ cũng là chuyển khoản, và giao dịch mua bán cũng chuyển khoản.
Điều này không chỉ thấy ở nhóm người tiêu dùng trẻ hay “dân công sở” mà thanh toán không dùng tiền mặt đã len lỏi sâu vào các chợ dân sinh, đến cả với những tiểu thương bán dưa cà, tôm cá. “Bắn tài khoản nhé” đã trở thành câu nói quen thuộc trong nhiều giao dịch mua bán hàng ngày.
Nghiên cứu về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Visa thực hiện vừa công bố cho thấy, làn sóng tăng trưởng của các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam rất rõ nét, đặc biệt là ở thế hệ gen Z và Y.
Báo cáo chỉ ra rằng, bên cạnh giao dịch tiền mặt vốn phổ biến, xu hướng chuyển đổi sang các phương thức thanh toán điện tử hiện đại đang ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam. Có tới 56% người dùng Việt tham dự khảo sát đang ít mang theo tiền mặt hơn so với năm trước. Đặc biệt, người dùng trẻ Gen X và Gen Y hiện đóng vai trò như thế hệ tiên phong thúc đẩy đà tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt, với 89% người tham gia khảo sát đã tiếp cận thành công các phương thức thanh toán kỹ thuật số trong đời sống hàng ngày.
Đà tăng trưởng của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt qua mã QR và ví điện tử, có thể nhận thấy rõ ở các lĩnh vực như thực phẩm và ăn uống, bán lẻ và cửa hàng tiện lợi.
1-2 năm trở lại đây, Việt Nam góp mặt trong top đầu những thị trường Đông Nam Á đón nhận đông đảo lượt người dùng mới sử dụng ví điện tử như một phương thức thanh toán yêu thích, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tài chính số. Báo cáo của Visa cũng nêu ra, cứ 5 người thì có ít nhất 4 người tiêu dùng Việt sử dụng ví điện tử thường xuyên, trong đó phần lớn là thế hệ người dùng Gen X và nhóm tiêu dùng hạng sang.
Lãnh đạo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động ngân hàng số đang diễn ra mạnh mẽ, theo đúng định hướng của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ (Đề án). Thậm chí, “thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam diễn ra nhanh hơn kỳ vọng” - lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ.
Thanh toán không dùng tiền mặt đã len lỏi sâu vào các chợ dân sinh |
Số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước cập nhật cũng ít nhiều minh chứng cho sự “nhanh hơn kỳ vọng này”. Cụ thể, đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 1/2024 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; cụ thể giao dịch qua kênh Internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị; qua POS tăng 16,87% về số lượng và tăng 13,65% về giá trị. Và đặc biệt, giao dịch cua qua ATM đã giảm 15,14% về số lượng và giảm 18,76% về giá trị.
Đáng nói, đến cuối tháng 1/2024, thị trường có 20.986 ATM, giảm 1,70% so với cùng kỳ năm 2023 và có 554.580 POS, tăng 32,68% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu so với mục tiêu của Đề án thì nhiều chỉ tiêu đã vượt khá xa, đơn cử như điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS) đã vượt mục tiêu 450.000 điểm vào năm 2025; giao dịch qua điện thoại và internet cũng đạt con số kỷ lục; 100% cơ sở giáo dục đại học (trường đại học, cao đẳng) trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí thông qua hệ thống ngân hàng…
“Ngày không tiền mặt” và “Ngày thẻ Việt Nam” được tổ chức thường niên nhiều năm qua là hai sự kiện lớn nhất đưa thanh toán không tiền mặt đến gần hơn tới người dân. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán và các ban, ngành liên quan cũng đã rất nỗ lực triển khai, phối hợp, nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện dụng…
Thanh toán không tiền mặt gia tăng giúp nền kinh tế bớt chi phí in ấn, lưu thông tiền, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đồng thời giúp giảm thất thu thuế cho Nhà nước từ những giao dịch chui hoặc không minh bạch; giảm rủi ro rửa tiền, nói cách khác là kiểm soát và phát hiện các thanh toán phạm pháp. Chuyên gia ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm: Thanh toán không tiền mặt vừa góp phần tăng nhanh vòng quay vốn cho xã hội và tăng cường nhu cầu vốn cho xã hội bởi tiền trong tài khoản của các chủ thể có thể xem là dòng tiền nhàn rỗi. Khi ngân hàng tăng được tỉ trọng thanh toán không dùng tiền mặt cũng là lúc thu hút được nhiều hơn nguồn vốn trong xã hội, giúp các ngân hàng có thêm nguồn vốn với chi phí đầu vào rẻ từ đó có thể cho vay ra nền kinh tế với lãi suất hợp lý hơn. Đặc biệt góp phần quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế số của Việt Nam.
Chắc chắn, sẽ có nhiều trong số 600 người lao động của Nhà máy in tiền Quốc gia sẽ đóng lại công việc vốn gắn bó hàng chục năm nay của mình, khi mà khối sản xuất như chị Thu Minh hiện đang 100% nghỉ chờ đến 15/4 tới đây đi làm lại. Như chị chia sẻ, chắc chỉ trụ hết năm nay rồi tính tìm công việc khác, nhiều người ở nhà máy xin nghỉ hưu sớm rồi.
Sự vận động đi lên của xã hội, của nền kinh tế chắc chắn sẽ tước đi cơ hội làm việc của không ít đối tượng, nhưng cũng mở ra nhiều hơn thế những cơ hội làm việc mới, những sự phát triển mới văn minh, hiện đại, tiệm cận với xu hướng của thế giới. Mà câu chuyện tiền mặt “biến mất” và thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi là một minh chứng.