Hội thảo chứng khoán phái sinh dành cho báo chí |
Chứng khoán phái sinh là thị trường tài chính bậc cao niêm yết và giao dịch các sản phẩm tương lai phòng ngừa rủi ro cho các tài sản cơ sở. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, thị trường chứng khoán phái sinh chỉ tổ chức khi thị trường chứng khoán cơ sở đạt được tính thanh khoản rất cao.
Đối với Việt Nam, phát triển thị trường chứng khoán phái sinh một mặt là nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán; mặt khác, bản chất của phái sinh là chia nhỏ rủi ro và trên thực tế phát triển thị trường tài chính, tiền tệ… đã đòi hỏi cần phát triển các sản phẩm phái sinh. Theo ông Nguyễn Anh Phong - Phó Tổng Giám đốc HNX, chứng khoán phái sinh là một công cụ quản lý rủi ro chi phí ban đầu nhỏ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nước ngoài rất ưa thích. Thị trường phái sinh và thị trường cơ sở có mối quan hệ tương tác, thúc đẩy lẫn nhau. Nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán phái sinh sẽ có nhiều cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận.
Tuy nhiên, chứng khoán phái sinh sử dụng đòn bẩy tài chính cao nên rủi ro cũng khó tránh khỏi đối với nhà đầu tư nếu không hiểu rõ cơ chế hoạt động, chỉ cần một biến động nhỏ về giá cũng có thể dẫn đến lãi - lỗ rất lớn và các nghĩa vụ thanh toán thực hiện trong tương lai. Vấn đề đặt ra là cơ chế hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư phải rất chặt chẽ, hiệu quả, đặc biệt trong việc xử lý thanh toán giao dịch.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HNX cho biết, nguyên tắc phát triển chứng khoán phái sinh ở Việt Nam là Nhà nước quản lý và giao dịch qua sở giao dịch chứng khoán. Mô hình thị trường bao gồm các thành phần tham gia là HNX, VSD (vận hành thị trường), ngân hàng thanh toán, đơn vị trung gian (thành viên giao dịch, thành viên bù trừ, nhà tạo lập thị trường) và các nhà đầu tư (doanh nghiệp, quỹ đầu tư, nhà đầu tư). HNX chịu trách nhiệm xây dựng và lựa chọn các sản phẩm để niêm yết và tổ chức giao dịch, cơ quan có thẩm quyền cấp phép, VSD sẽ thực hiện chức năng bù trừ và thanh toán theo cơ chế đối tác trung tâm (CCP) – tức VSD sẽ là đối tác của tất cả các bên tham gia giao dịch để thực hiện việc bảo đảm thanh toán.
Sản phẩm phái sinh là hợp đồng dự đoán giá của một loại hàng hóa, tài sản, hai bên tham gia ở vị thế đối nghịch, bù trừ lẫn nhau… có thể được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch tập trung. Kết thúc hợp đồng, bên dự đoán đúng sẽ được hưởng phần chênh lệch do bên dự đoán sai thanh toán. |
Nhà đầu tư tham gia chứng khoán phái sinh phải ký quỹ đảm bảo giao dịch và thanh toán, trường hợp rủi ro họ cũng chỉ mất tối đa số tiền ký quỹ. Theo cơ chế CCP, trường hợp giao dịch phái sinh bên phải thanh toán vì lý do nào đó không hoặc mất khả năng thanh toán thì bên được thanh toán vẫn sẽ được VSD chịu trách nhiệm đảm bảo thanh toán.
Thời điểm chính thức vận hành thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đã được Bộ Tài chính đặt ra vào cuối năm 2016. Trong giai đoạn 2016-2020 giao dịch các chứng khoán phái sinh sẽ dựa trên tài khoản cơ sở là chứng khoán (chỉ số chứng khoán HNX, trái phiếu Chính phủ, cổ phiếu…), sau năm 2020 sẽ phát triển thống nhất dựa trên các tài sản cơ sở theo thông lệ quốc tế (bao gồm cả phái sinh hàng hóa, tiền tệ...).
Phát biểu tại hội thảo về thị trường chứng khoán phái sinh dành cho các phóng viên, báo đài do HNX vừa tổ chức, ông Nguyễn Anh Phong khẳng định, các bước chuẩn bị đã đi được một nửa chặng đường, hiện HNX và VSD đang gấp rút triển khai lựa chọn sản phẩm, tuyên truyền, xây dựng hệ thống giao dịch, thành viên thị trường... để vận hành thị trường chứng khoán phái sinh đúng kế hoạch Bộ Tài chính đã giao. Dự kiến 02 sản phẩm chứng khoán phái sinh ban đầu sẽ được lựa chọn giao dịch trong giai đoạn 2016-2020 gồm “hợp đồng tương lai” đối với tài sản cơ sở là chỉ số cổ phiếu (HNX30, VN30) và trái phiếu Chính phủ (kỳ hạn 5 năm). Đây là những sản phẩm cơ sở có khả năng phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh ban đầu tốt nhất./.