Tiền xoay vòng trong các cổ phiếu lớn
Nhiều blue-chip tăng mạnh, đưa VN-Index quanh mốc 1.000 điểm
Thị trường chứng khoán tháng 7/2019 diễn biến tích cực vượt kỳ vọng của không ít nhà đầu tư. Sau bốn tuần tăng điểm liên tiếp, VN-Index có lúc đã vượt mốc 1.000 điểm trong phiên giao dịch ngày 30/7 trước khi hạ nhiệt trong nửa cuối phiên. Đây mới là lần thứ hai chỉ số VN-Index vượt qua mốc được xem là kháng cự mạnh này trong năm 2019 và là lần đầu tiên kể từ tháng tư đến nay.
Động lực giúp VN-Index tăng hơn 6% trong tháng 7 phải kể đến sự giúp sức của hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn; trong đó, các cổ phiếu họ “Vin” là những cái tên đáng kể nhất.
Cụ thể, cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes đã tăng 10,7% trong vòng một tháng qua. Với 3,35 tỷ cổ phiếu niêm yết, điều này đồng nghĩa với việc mức vốn hóa của VHM tăng gần 28.500 tỷ đồng. Trong thời gian đó, thị giá cổ phiếu VIC của CTCP Tập đoàn Vingroup cũng tăng 8,3%, tương đương mức vốn hóa tăng thêm gần 31.800 tỷ đồng.
Tháng 7, vốn hóa sàn HOSE chỉ tăng 126.000 tỷ đồng (từ 3.198.500 tỷ đồng lên 3.325.200 tỷ đồng, bao gồm cả mức tăng vốn hóa của doanh nghiệp niêm yết mới như DBC, GAB, KOS). Riêng 5 cổ phiếu VHM, VIC, GAS, VCB và BID đã đóng góp 85,9% mức tăng vốn hóa của VN-Index.
Trong nhóm ngân hàng, cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) dù đóng cửa phiên giao dịch 30/7 giảm 400 đồng/cổ phiếu, nhưng mức tăng giá vẫn lên đến 16% trong 1 tháng qua, tương ứng quy mô vốn hóa tăng thêm gần 41.200 tỷ đồng.
Tính tổng cộng trong nhóm 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên HOSE đến hết phiên 30/7, có 8/10 cổ phiếu đã tăng giá so với đầu tháng 7, tổng mức vốn hóa tăng thêm đạt 119.127 tỷ đồng. Trong đó, 5 cổ phiếu VHM, VIC, GAS, VCB và BID đóng góp tổng cộng 108.800 tỷ đồng.
Cùng thời gian này, vốn hóa toàn sàn HOSE chỉ tăng 126.700 tỷ đồng (từ 3.198.500 tỷ đồng lên 3.325.200 tỷ đồng, bao gồm cả mức tăng vốn hóa của doanh nghiệp niêm yết mới như DBC, GAB, KOS). Như vậy, riêng 5 cổ phiếu nói trên đã đóng góp 85,9% mức tăng vốn hóa của VN-Index.
Dòng tiền xoay vòng trong các cổ phiếu vốn hóa lớn đã đem lại thành quả cho không ít nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư, vốn thường ưu tiên nắm giữ bluechips bởi nền tảng cơ bản và tính thanh khoản tốt cũng như sự gắn kết với các chỉ số tham chiếu sử dụng làm thước đo hiệu quả danh mục đầu tư. Vậy, với mặt bằng chung các cổ phiếu còn lại trên thị trường thì sao?
Thống kê trong tổng số 378 cổ phiếu niêm yết trên HOSE từ đầu tháng 7/2019 (không kể các mã mới niêm yết), có 207 mã giảm giá tính đến hết phiên 30/7, chiếm tỷ lệ 54,5%; 9 cổ phiếu đứng giá, tương ứng tỷ lệ 2,4%. Như vậy, số mã đi ngang và giảm điểm đang vượt trội so với mã tăng.
Tính riêng trong nhóm VN30, cũng có gần một nửa số mã giảm giá trong tháng 7, có thể kể đến như HPG, ROS, DHG, SSI, DPM, SBT... Ngay cả nhóm dầu khí, một thời từng đóng vai trò dẫn dắt điểm số thì nay, ngoài GAS, phần còn lại hầu như đang đứng ngoài "cuộc chơi".
Thị trường tăng điểm nhưng mức tăng chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, hiệu quả sinh lời không mở rộng cho các nhà đầu tư. Nếu không sở hữu đúng cổ phiếu thu hút được dòng tiền, danh mục của nhà đầu tư sẽ đi ngang hoặc thua lỗ bất chấp thị trường tăng điểm.
Tháng 8, chờ đợi dòng tiền lan tỏa
Một điểm tích cực cũng xuất hiện trong đợt tăng giá tháng 7/2019 là thanh khoản có xu hướng cải thiện rõ rệt. Đây là yếu tố cần thiết để đà tăng được duy trì.
Bên cạnh đó, yếu tố lịch sử của thị trường cũng ủng hộ cho xu hướng tăng điểm. Tháng 8 năm nay trùng lắp gần như hoàn toàn với tháng 7 âm lịch, mà theo quan niệm dân gian là “tháng Ngâu” - thời điểm giới kinh doanh nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng có tâm lý kiêng kỵ, nhưng thực tế cho thấy, diễn biến VN-Index lại khá tích cực với 4/5 năm gần đây thị trường đều tăng điểm trong tháng này.
Tuy vậy, nếu như trong tháng 7/2019, các cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm 2019 hỗ trợ trở thành điểm nhấn thu hút dòng tiền thì câu hỏi được đặt ra lúc này là yếu tố nào sẽ là động lực thúc đẩy đà tăng tiếp tục duy trì khi thị trường bước sang tháng 8?
Về tình hình kinh tế trong nước, theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2019 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng đầu năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ 2018 - ghi nhận mức tăng bình quân thấp nhất 3 năm gần đây. Mặc dù giá một số nguyên liệu đầu vào, nhất là xăng dầu có xu hướng tăng trở lại, mức lương cơ sở cũng tăng từ ngày 1/7/2019, nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát sẽ là yếu tố quan trọng giúp các chính sách vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, giảm áp lực tăng lên lãi suất.
Từ bên ngoài, các ngân hàng trung ương như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)… đều phát đi những tín hiệu về khả năng hạ lãi suất, để ngỏ khả năng mua thêm trái phiếu và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt… được kỳ vọng sẽ tác động tích cực hơn đến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thực tế trên thị trường, nếu như trong tháng 6/2019, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng và bán ròng đan xen không tạo động lực rõ nét nâng đỡ chỉ số thì từ đầu tháng 7 đến nay, xu hướng mua ròng chiếm ưu thế với giá trị mua ròng đạt trên 2.000 tỷ đồng. Việc mua ròng tập trung vào nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã góp phần đáng kể hỗ trợ chỉ số.
Về tỷ giá, yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến thị trường chứng khoán trong nước, mặc dù tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do liên tục có những biến động bất thường thời gian qua, nhưng mức tăng từ đầu năm đến nay không lớn. Tính đến ngày 30/7/2019, tỷ giá trung tâm Ngân hàng Nhà nước công bố mới tăng 1,1% so với đầu năm và được đánh giá vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.
Rõ ràng, xét về các yếu tố vĩ mô, tình hình trong và ngoài nước đang có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy vậy, điều thị trường đang thiếu là thông tin trực tiếp hỗ trợ để thu hút dòng tiền. Dù tháng 8 là thời kỳ các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính bán niên sau khi có ý kiến soát xét của kiểm toán, nhưng điều này dự báo sẽ ít tác động đến các doanh nghiệp đầu ngành, vốn có chất lượng báo cáo tài chính tự lập khá tốt, ít có chênh lệch kết quả trước và sau kiểm toán.
Đối với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, câu chuyện chênh lệch diễn ra thường xuyên hơn khiến tác động đến giá cổ phiếu lớn hơn, nhất là với các doanh nghiệp có số liệu kiểm toán trước và sau chênh lệch lớn hoặc chuyển trạng thái từ lãi sang lỗ hoặc ngược lại. Trong trường hợp doanh nghiệp lâm vào thua lỗ trong 6 tháng đầu năm, các cổ phiếu sẽ bị cơ quan quản lý đưa vào danh mục không được phép ký quỹ. Tuy vậy, ảnh hưởng đến chỉ số và xu hướng dòng tiền của nhóm này không lớn, chủ yếu là các câu chuyện đơn lẻ.
Trong báo cáo vĩ mô quý II/2019, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đánh giá, thị trường chưa có động lực rõ ràng giúp cho VN-Index bứt phá vượt ngưỡng 1.000 điểm trong quý III năm nay. Nhiều công ty chứng khoán khác cũng nhận định mức 1.000 điểm đang là một ngưỡng cản lớn với VN-Index.
Trong bối cảnh đó, kịch bản khả quan nhất được kỳ vọng là sau giai đoạn dòng tiền tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn đẩy chỉ số tăng mạnh sẽ luân chuyển giữa các mã “trụ” để giữ điểm số không giảm sâu, đồng thời lan tỏa sang các dòng cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, giúp đà tăng đồng đều hơn.
Trong số này, những cổ phiếu có câu chuyện, nhất là thoái vốn nhà nước đang thu hút nhiều sự chú ý và được kỳ vọng sẽ tạo nên những cơ hội sinh lời tốt trong tháng 8 khi mà thông tin này trở thành điểm tựa giúp không ít doanh nghiệp dù có kết quả kinh doanh không khả quan nhưng thị giá cổ phiếu vẫn tăng trong thời gian qua.
Đơn cử, cổ phiếu VOC của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam đã tăng giá gần 10% trong 1 tuần trở lại đây sau thông tin Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chuẩn bị đấu giá trọn lô 36,3% cổ phần tại doanh nghiệp mặc dù trước đó, VOC công bố kết quả kinh doanh 6 tháng kém khả quan với lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm 29,6% so với cùng kỳ 2018.