Triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm bội chi quỹ Bảo hiểm y tế |
Nhiều tỉnh vượt quỹ trên 100 tỷ đồng
Tại Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin BHXH, BHYT tháng 10, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, hiện có 21 tỉnh có chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT 9 tháng vượt quỹ KCB BHYT cả năm 2017 trên 100 tỷ đồng. Trong đó, có 6 tỉnh bội chi cao như: Nghệ An (919 tỷ đồng), Thanh Hóa (780 tỷ đồng), Quảng Nam (579 tỷ đồng), Quảng Ninh (359 tỷ đồng), Hà Tĩnh (281 tỷ đồng), Hải Dương (247 tỷ đồng).
Ngoài ra, qua giám định tự động, hệ thống thông tin giám định BHYT chưa chấp nhận thanh toán chi phí của hơn 17,6 triệu hồ sơ (chiếm 14,3% tổng số hồ sơ đề nghị) do cơ sở KCB mã hóa sai thông tin danh mục theo bộ mã dùng chung của Bộ Y tế; dữ liệu không đúng danh mục đã thống nhất với cơ quan BHXH; chưa hoàn thành việc giám định danh mục để tỷ lệ dịch vụ y tế chờ phê duyệt như: Long An, Lạng Sơn, Quảng Nam, Gia Lai, Bình Định...
Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) - cho biết, sở dĩ có tình trạng bội chi là do không thực hiện đúng định mức theo quy định; thống kê thanh toán dịch vụ kỹ thuật còn nhiều bất cập, lạm dụng chỉ định xét nghiệm; tăng số lượng KCB ngoại trú và điều trị nội trú bất hợp lý, kéo dài ngày điều trị; mua sắm, sử dụng thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý; trục lợi quỹ BHYT.
Bên cạnh đó, còn có lý do xây dựng giá dịch vụ y tế chưa hợp lý; định mức kinh tế kỹ thuật, nhân lực, thời gian không phù hợp; phân loại phẫu thuật, thủ thuật còn bất cập dẫn đến định giá không chính xác. "Nhiều dịch vụ giá chưa phù hợp do thiếu hoặc không có quy trình kỹ thuật, không có cơ cấu giá để xác định tương đương" - ông Phúc nói.
Bội chi nhưng không vỡ quỹ
Trước tình hình bội chi BHYT hiện nay, dư luận lo ngại sẽ vỡ quỹ. Tuy nhiên, ông Lê Văn Phúc khẳng định, sẽ không có chuyện vỡ quỹ BHYT, việc bội chi chỉ là tạm thời. Ngành BHXH và ngành Y tế đang có những giải pháp phối hợp quyết liệt để từng bước giải quyết vấn đề này.
Cụ thể, hai bên sẽ tiếp tục hoàn thiện và ban hành quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; xây dựng mức giá dịch vụ KCB phù hợp với điều kiện, khả năng cung ứng của các cơ sở; thay đổi phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT.
Theo ông Phúc, trước mắt, cần xây dựng chính sách cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư y tế đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và an toàn, giảm đi các chỉ định bất hợp lý, thực hiện việc khoán cho các bệnh viện. Mặt khác, tăng cường KCB BHYT tại y tế cơ sở, giảm tỷ trọng KCB tại tuyến tỉnh, Trung ương; kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách còn thiếu, không phù hợp hoặc khó khăn trong tổ chức thực hiện.
9 tháng năm 2017, BHXH các tỉnh đã thực hiện giám định chủ động trên 9,3 triệu hồ sơ, đạt tỷ lệ 7,85% số hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT. |