Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở - thực tiễn của Quảng Ninh
Bà Đỗ Thị Hoàng - Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Quảng Ninh |
Cùng với tiến trình phát triển của đất nước, Quảng Ninh có nhiều trăn trở, đổi mới và bước đầu thành công trong một số lĩnh vực, nhất là 3 đột phá chiến lược và đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị. Có thể nói, bắt đầu từ những rà soát, phát hiện hạn chế, yếu kém về tổ chức, bộ máy như sau:
1. Bộ máy cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ trồng chéo; (1) Có chức năng được giao cho nhiều cơ quan đơn vị cùng thực hiện nhưng không quy trách nhiệm giải quyết đến cùng, quyền, thẩm quyền không gắn với nghĩa vụ và chế độ trách nhiệm. Cùng một ngành nhưng vừa có phòng chuyên môn, vừa có chi cục quản lý cùng tên, cùng chức năng; trên cùng địa bàn có nhiều đơn vị thực hiện một nhiệm vụ. (2) Giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều chức năng, nhiệm vụ tương đồng có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau nhưng thiếu tính thống nhất làm nảy sinh tình trạng buông lỏng, bỏ sót hoặc phát sinh khâu trung gian (tổ chức của cấp ủy - nội vụ của chính quyền; kiểm tra giám sát của Đảng với Thanh tra nhà nước...). (3) Bộ máy nội sinh phục vụ chính mình chiếm tỉ lệ cao (từ 20-35%) trong tổng biên chế. (4) Các đơn vị sự nghiệp quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao, tính tự chủ thấp; (5) Tổ chức hội nhiều (994 hội ở cả 3 cấp)nhưng hoạt động chưa mạnh, chưa thể hiện được rõ vị thế, vai trò; tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
2. Đội ngũ CB, CC, VC hưởng lương từ ngân sách nhà nước đông và có xu hướng càng thực hiện chính sách tinh giản thì biên chế càng tăng.
Năm 2014 tổng biên chế hành chính, sự nghiệp tăng hơn 30% so với 2007. Số vị trí cán bộ không chuyên trách cấp xã, cấp thôn toàn tỉnh xấp xỉ 33.000 người, tương đương tổng số định biên cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ còn hạn chế; công tác đào tạo cán bộ chưa được quan tâm đúng mức nhất là ở cơ sở: tỷ lệ trưởng thôn, bản, khu phố chưa qua đào tạo chiếm 64% (riêng trưởng thôn là 89%); tỷ lệ trưởng thôn chưa là đảng viên rất cao, chiếm gần 60%.
3. Cơ chế phân bổ ngân sách chủ yếu dựa trên số lượng đầu mối, biên chế; số bệnh viện - giường bệnh; số trường học - lớp học, vô hình chung có xu hướng tăng đầu tư, tăng biên chế để hưởng thụ ngân sách.
4. Một số thông tư ban hành các tiêu chí “Chuẩn" về định mức biên chế, định mức cơ sở vật chất, bán kính phục vụ... không sát thực tiễn, thiếu tính linh hoạt, bao biện, dàn trải.
Sau khi phân tích kỹ những hạn chế, yếu kém làm rõ nguyên nhân, yếu tố tác động, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện quyết liệt Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” với các nhóm giải pháp sau:
Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng gồm: (1) Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, nâng cao khả năng dự báo, lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn lực thực hiện, với phương châm “việc gì có lợi cho dân, cho nước thì phải hết sức làm”; (2) Mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng và công tác tổ chức cán bộ; bảo đảm khách quan, minh bạch trong lựa chọn, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu; (3) Tăng cường phân cấp gắn với phân công, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu bằng các quy chế cụ thể; (4) Phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí bằng tổ chức, thông qua cơ chế vận hành gắn với tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, thanh tra của nhà nước giám sát, phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; (5) Mở rộng chất vấn trong Đảng, tăng cường đối thoại, chủ động nắm bắt và tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hai là, sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm đầu mối, tránh trùng chéo, bao gồm: (1) Sáp nhập các cơ quan, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ hoặc chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo hướng “một chức năng, một nhiệm vụ chỉ có một người hoặc một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm"; (2) Thực hiện mô hình bộ phận tài vụ, phục vụ chung đối với các ban xây dựng đảng, đảng ủy khối thuộc Tỉnh ủy và huyện ủy, ủy ban nhân dân ở những nơi đã thực hiện nhất thể hóa chức danh người đứng đầu cấp ủy với chính quyền; (3) Điều chỉnh quy mô tổ chức, biên chế, trang thiết bị phục vụ đối với trạm y tế cấp xã theo 3 mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể về địa lý để chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn; (4) Sắp xếp lại các trường, điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, biên giới, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, chính sách nội trú, bán trú dân nuôi và hỗ trợ phương tiện đi lại để các các cháu có điều kiện tiếp cận với moi trường giáo dục đầy đủ hơn. (5) Chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế có khả năng tự chủ sang mô hình doanh nghiệp; (6) Thí điểm xây dựng cơ quan tham mưu, giúp việc chung cho khối MTTQ và các đoàn thể cấp huyện tại 8/14 địa phương có đủ điều kiện. Kết quả, đến nay đã giảm 02 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 91 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương; tập trung được sự lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Ba là, cải cách hành chính theo hướng tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước; Nhà nước giữ vai trò tạo lập môi trường cho doanh nghiệp, nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm: (1) Thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, liên kết đến cấp xã gắn với xây dựng chính quyền điện tử, đào tạo công dân điện tử để giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc “tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt tại chỗ” bảo đảm thuận tiện, công khai, minh bạch; (2) Rà soát và công bố thủ tục hành chính của ba cấp chính quyền, chuẩn hóa và đưa vào thực hiện. Đến nay, gần 100% các thủ tục được thực hiện trực tiếp tại Trung tâm phục vụ hành chính công; 99,5% số hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn; trên 98% người dân và doanh nghiệp được khảo sát có ý kiến hài lòng; (3) Ban hành các cơ chế chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh áp dụng hình thức đối tác công - tư theo các mô hình lãnh đạo công -quản lý tư, đầu tư công-quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công, sau 2 năm đã hút được 52.000 tỷ để xây dựng hạ tầng giao thông, cảng biển, đường cao tốc, cảng hàng không, trụ sở liên cơ quan, hạ tầng điện, nước, du lịch...; ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh trường ngoài công lập, nhằm hỗ trợ Đơn vị cung ứng dịch vụ ngoài công lập, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, dịch vụ; (4) Thí điểm cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công; thực hiện mô hình đơn vị sự nghiệp công như doanh nghiệp công ích do cộng đồng quản lý…
Bốn là, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong đánh giá, lựa chọn, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo cán bộ, bao gồm: (1) Thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý (đã bổ nhiệm thông qua thi tuyển 89 chức danh, trong đó có trên 70% tuổi trẻ, 100% được đào tạo từ thạc sĩ, tiến sĩ, hai bằng đại học trở lên); (2) Thực hiện bầu bí thư trực tiếp tại đại hội ở trên 80% đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở; 100% đảng bộ cấp huyện ); (3) Thực hiện quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn bầu vào chức danh (trưởng thôn, bản, khu phố) sau đó cấp ủy mới phân công theo phương châm “dân tin đảng mới cử”; (4) Thực hiện cơ chế điều động, luân chuyển cán bộ theo hiệu quả đóng góp, thời hạn đảm nhiệm chức vụ, cấp độ quy hoạch để đào tạo, rèn luyện cán bộ đồng thời khắc phục tình trạng trì trệ, cục bộ…; (5) Đổi mới cơ chế tuyển dụng cán bộ, công chức theo hướng khách quan, công khai minh bạch, có sự giám sát của người dân và xã hội.
Năm là, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách: (1) Thực hiện khoán kinh phí hoạt động, tăng cường khả năng tự chủ cho các cơ quan, đơn vị, nhất là cấp xã, các đơn vị sự nghiệp; (2) Thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách từ căn cứ vào định mức biên chế, số giường bệnh, lớp học sang căn cứ vào hiệu quả công việc, hiệu quả của việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục; (3) Giao tài sản nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính theo cơ chế thuê, mướn; (4) Thực hiện lộ trình “đặt hàng, mua hàng” với các tổ chức hội xã hội, xã hội-nghề nghiệp. Đến nay, đã có 131 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ kinh phí từ một phần đến tự chủ hoàn toàn, trong đó có 83 đơn vị đã tự chủ 100%. (5) Tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; năm 2015, chi đầu tư phát triển bằng 52,6% tổng chi ngân sách địa phương.
Sáu là, thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, bao gồm: (1) Ban hành bộ tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, làm căn cứ đánh giá, tuyển dụng, bổ nhiệm và thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng; (2) Xây dựng quy hoạch và đề án nâng cao chất lượng toàn diện nguồn nhân lực; dành nguồn lực lớn để bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, kể cả cán bộ cơ sở và lao động nông thôn ở trong, ngoài nước; (3) Rà soát, tinh giản biên chế, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ phù hợp với tiêu chuẩn, chức danh, vị trí; thực hiện tinh giản 1.605 công chức, viên chức và hợp đồng lao động (Giảm phụ cấp thường xuyên đối với 17.000 vị trí không chuyên trách ở cơ sở); (4) Thực hiện kiêm nhiệm, nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu cấp ủy và chính quyền: bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện tại 2 địa phương; bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở 30% địa phương; đồng thời chuẩn bị để cơ bản thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trong đó kiêm chủ tịch UBND ở 25% đơn vị cấp huyện và 50% đơn vị cấp xã; nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng như Trưởng Ban Dân vận-Chủ tịch MTTQ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra-Chánh Thanh tra, Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Trưởng Ban Tổ chức-Trưởng phòng Nội vụ ở 34-70% các đơn vị cấp huyện tuỳ theo mỗi chức danh; thực hiện kiêm nhiệm 50% cán bộ ở ba chức danh thôn, bản, khu phố.
Đại diện đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh tham dự Đại hội |
Có thể nói, dù kết quả đạt được chưa nhiều nhưng là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị của Quảng Ninh, thể hiện: (1) Tư tưởng tiến công, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm không ngại khó khăn; (2) Không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện, việc gì chưa có quy định nhưng thực tế đòi hỏi thì mạnh dạn đề xuất và thực hiện thí điểm; (3) Biết phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, và thường xuyên tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ban ngành ở Trung ương. (4) Chủ động vận dụng linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp; (5) Thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy; thực hiện cải cách hành chính và tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ - cán bộ - đảng viên.
Từ thực tiễn, Quảng Ninh xin được đề xuất một số giải pháp để có thể triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng:
Một là, tăng cường phân cấp triệt để về quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế gắn với thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát và quy định rõ trách nhiệm quyền hạn của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Hai là, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa về đổi mới công tác cán bộ; sớm ban hành quy chế thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị; bổ sung các quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp gồm “phần cứng” ổn định theo ngạch bậc và “phần mềm” theo hiệu suất, sáng kiến.
Ba là, sớm chỉ đạo xây dựng và thực hiện đề án nhất thể hóa một số tổ chức và chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo tinh thần Kết luận 37 của BCHTW khóa X.
Bốn là, quy định thống nhất mô hình tổ chức đảng theo quy định tại Điều 10 Điều lệ Đảng: “Hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước”.
Năm là, thể chế hóa Điều 4, Hiến pháp năm 2013 về: "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" "chịu sự giám sát của nhân dân"; bổ sung chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của UBKT của Đảng.