Tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Trong 2 ngày 11-12/7, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các Hội thảo Trao đổi, thảo luận của nhóm làm việc về các vấn đề lớn còn ý kiến khách nhau của Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); và Hội thảo Rà soát, chỉnh lý Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; ông Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính Phủ chủ trì hội thảo. Hội thảo cũng có sự tham gia của các chuyên gia, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), đại diện các bộ: Tư Pháp, Công An, Kế hoạch Đầu tư, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Bộ Công Thương phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan tiến hành xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Ngày 8/6, Bộ Công Thương ban hành Tờ trình số 3203/TTr-BCT trình Chính phủ hồ sơ Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngày 16/6, Văn phòng Chính phủ đã có Phiếu lấy ý kiến số 185/PLYK/2022 gửi lấy ý kiến thành viên Chính phủ đối với Dự án Luật.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo |
Tới thời điểm hiện tại, đã có 24/26 thành viên Chính phủ cho ý kiến biểu quyết đối với Dự án Luật. Trong đó, 100% thành viên có ý kiến đều tán thành toàn văn hồ sơ Dự án Luật; 7 thành viên có một số ý kiến cụ thể về 6 nhóm nội dung như: Kết cấu của Dự thảo Luật; Chính sách của Nhà nước về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Quy định bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; Quy định liên quan “nền tảng số” và “nền tảng số trung gian”; Quy định bảo hành đối với dịch vụ; Điều kiện giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thủ tục rút gọn.
Trên cơ sở các ý kiến cụ thể của thành viên Chính phủ, Bộ Công Thương đã tổng hợp, nghiên cứu để tiếp thu, giải trình. Theo đó, về cơ bản, Bộ Công Thương tiếp thu phần lớn các ý kiến của thành viên Chính phủ. Đối với một số ý kiến cần giải trình, Bộ Công Thương đã rà soát, nghiên cứu để giải trình đầy đủ, chi tiết.
“Tại Hội thảo này, Bộ Công Thương một lần nữa ra soát, tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, từ đó chỉnh lý nhằm hoàn thiện Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) |
Phát biểu tại hội thảo ông Watanabe Yoshitaka, Chuyên gia dài hạn Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết: Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là luật rất quan trọng liên quan đến cuộc sống hàng ngày của đông đảo người dân Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là luật đề xuất rất nhiều nội dung sửa đổi trong phạm vi rộng dựa trên rất nhiều hình thức giao dịch mới phát sinh trong thời đại ngày nay. Như giao dịch thương mại điện tử, giao dịch thông qua Internet,…
“Tôi hy vọng rằng, thông qua Hội thảo này, chúng ta sẽ đóng góp nhiều ý kiến hữu ích cho Văn phòng Chính phủ cũng như cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật là Bộ Công Thương để đi đến thống nhất, có thể trình Quốc hội Dự án Luật vào tháng 10/2022” - ông Watanabe Yoshitaka nói.
Là đơn vị hiện đang thực hiện nhiệm vụ thẩm tra Dự án Luật, ông Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết: Khi các bộ trình Dự án Luật lên Chính phủ thì Văn phòng Chính phủ thực hiện các cái thủ tục thẩm tra, đối với Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) chúng tôi sẽ Báo cáo thẩm tra để trình Chính phủ dự kiến ngày 20/7. Nội dung được các đại biểu trao đổi tại hội thảo là cơ sở quan trọng giúp chúng tôi hoàn thiện Báo cáo thẩm tra để trình Chính phủ.
Ông Đinh Dũng Sỹ, cũng đánh giá Bộ Công Thương đã có sự chuẩn bị công phu, chặt chẽ trong quá trình xây dựng Dự án Luật, đặc biệt đánh giá cao sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với các bộ, ban, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xây dựng và bảo đảm tính thống nhất của các quy định trong Dự thảo.
Ông Đinh Dũng Sỹ cũng nhấn mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là lĩnh vực rộng, liên quan tới nhiều lĩnh vực chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ban, ngành khác. Do vậy, việc đảm bảo tính thống nhất, không trùng lặp giữa quy định của Dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật khác là hoạt động quan trọng, cần được rà soát cẩn thận và chặt chẽ trong quá trình hoàn thiện Dự thảo.
Ông Đinh Dũng Sỹ mong muốn các chuyên gia, đại biểu đại diện các bộ, ngành tập trung thảo luận vào 2 nhóm vẫn đề chính: Thứ nhất là phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật. Bởi đây là vấn đề lớn cần tiếp tục lắng nghe ý kiến của chuyên gia để xác định đúng phạm vi điều chỉnh và trên cơ sở đó sẽ bảo đảm hiệu quả của điều chỉnh pháp luật.
“Nếu chúng ta không xác định đúng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật thì khi triển khai luật vào cuộc sống sẽ không hiệu quả” - ông Sỹ nói.
Thứ hai là mối quan hệ giữa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với các luật khác để đảm bảo tính phù hợp, tương thích cũng như hiệu quả điều chỉnh của Luật.