CôngThương - Giải pháp quan trọng được ngành điện rất chú trọng nhằm khắc phục tình trạng thiếu điện là đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện (TKĐ). Trong đó, đặc biệt quan tâm các giải pháp TKĐ ở các nhà máy công nghiệp, lĩnh vực được coi là còn nhiều tiềm năng nhất.
Tiềm năng còn rất lớn
Mặc dù đã đạt con số tiết kiệm tới 56,9 tỉ kWh điện trên cả nước giai đoạn 2006 – 2010, tương đương 3,4% tổng lượng điện tiêu thụ nhưng theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Chánh văn phòng TKNL của Bộ Công Thương, tiềm năng này vẫn còn rất lớn, bởi hệ số đàn hồi giữa tốc độ tăng trưởng điện và GDP vẫn còn tới 2 lần. “Đóng góp” nhiều nhất vào sự hao tốn điện năng này phải kể đến các nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu.
Tuy nhiên, khắc phục được vấn đề này không dễ. Kết quả khảo sát trên 300 doanh nghiệp (DN) do VCCI thực hiện trong quý II + III/2010 cho thấy, 25% DN được hỏi thừa nhận không thể TKĐ được. Khoảng 20% số DN khẳng định rất muốn TKĐ nhưng gặp khó khăn về chi phí để đầu tư máy móc, thiết bị, nhất là các DN có quy mô vừa và nhỏ.
Theo ông Hồ Văn Tuấn (Công ty may gia công Hà Hạnh), những loại máy mới, hiện đại sẽ tiết kiệm năng lượng hơn nhưng chi phí rất lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn liếng hạn chế sẽ không có nhiều cơ hội lựa chọn. Đó là lý do vì sao khi mua sắm các loại máy móc, điều đầu tiên doanh nghiệp quan tâm là giá cả phải phù hợp với túi tiền, sau đó là công năng sử dụng, cuối cùng mới đến hiệu quả sử dụng nhiên liệu.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó trưởng Ban quản lý các KCN TP Hồ Chí Minh cho biết, các khu công nghiệp, khu chế xuất hình thành cách đây trên 10 năm thuộc nhóm tiêu thụ nhiều năng lượng và mức độ lãng phí năng lượng cũng cao. Nhất là hệ thống chiếu sáng (lãng phí 30 - 50%) và trạm bơm cấp nước (lãng phí 20 - 30%).
Nguyên nhân chủ yếu là ứng dụng công nghệ chưa thật sự hiệu quả. Việc sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu là nguyên nhân quan trọng của tình trạng sử dụng điện lãng phí. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp đổi mới quản lý, cải tiến hệ thống chiếu sáng thì việc giám sát công nghệ thiết bị đạt tiêu chuẩn TKNL là rất quan trọng.
Nhiều giải pháp tiết kiệm điện
Nhà máy thuốc lá Khánh Hội (Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn) là một trong những đơn vị áp dụng mô hình quản lý năng lượng khá hiệu quả. Những giải pháp được Nhà máy thực hiện bao gồm: đầu tư thiết bị kiểm tra các chỉ số năng lượng tại nhà máy; lắp các đồng hồ đo điện, nước tiêu thụ, giám sát và ghi số liệu hằng ngày; lắp công tắc đèn từng khu vực trong nhà xưởng; thay thế đèn chiếu sáng nhiều nơi; dùng đèn điều khiển tự động cho nhà vệ sinh; tận dụng ánh sáng tự nhiên; chuyển đổi lò hơi có công suất phù hợp, nâng cấp máy bơm. Nhờ đó, năm 2010, nhà máy đã tiết kiệm được hơn 300 nghìn kWh điện, tương đương hơn 300 triệu đồng.
Theo các doanh nghiệp, cải tiến công nghệ là yếu tố số 1 để TKĐ, giảm chi phí sản xuất. Công ty CP Thép Việt (Pomina 2) đặt tại KCN Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện đầu tư 100% công nghệ hiện đại với mục tiêu giảm tiêu hao điện năng trên 1 tấn sản phẩm. Để sản xuất 1 tấn thép, các dây chuyền thép thông thường tiêu hao khoảng trên 600 kWh điện, nhưng dây chuyền Pomina 2 chỉ mất từ 450-500 kWh điện/tấn thép, tiết kiệm khoảng 20% chi phí điện năng. Vì vậy, dù mới vận hành 75% công suất thiết kế, nhưng 7 tháng đầu năm đã tiết kiêm được hàng chục triệu đồng tiền điện.
Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng có kinh phí đầu tư ban đầu lớn, vì vậy, biện pháp được các DN vừa và nhỏ tận dụng tối đa là sắp xếp dây chuyền công nghệ hợp lý, hạn chế sản xuất vào giờ cao điểm, tăng số giờ thấp điểm, sử dụng máy biến tần... Công ty sản xuất chế biến thủy sản đông lạnh Havico - đặt tại KCN Đông Xuyên (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã cải tạo đồng bộ từ công tác quản lý như tắt các máy không cần thiết trong giờ cao điểm, hạn chế khởi động máy và chạy cấp đông giờ cao điểm. Đặc biệt, việc cải tạo hệ thống lạnh cũ, đầu tư 900 triệu đồng mua thêm hệ thống lạnh mới và tạo sự liên hoàn giữa 2 hệ thống lạnh đã giúp công giảm lượng điện làm lạnh từ 3kW/kg sản phẩm xuống còn 1,7 kW/kg sản phẩm. Kết quả là sau 6 tháng, công ty đã thu hồi số vốn đầu tư. Năm 2010, suất tiêu thụ điện giảm tới 22,07% so với năm 2009.
Ông Nguyễn Văn Thu - Giám đốc công ty giấy Thiên Trí (TP HCM) cho biết, sau khi triển khai 10 hạng mục, công ty đã tiết kiệm 10% lượng điện năng tiêu thụ. Riêng điện cho sản xuất giấy, trước đây, công ty sử dụng khoảng 320 kWh điện/tấn thành phẩm, sau khi thực hiện một số giải pháp đồng bộ, lượng điện sử dụng giảm còn 280 kWh/tấn (giảm từ 40 -50 kWh điện/tấn thành phẩm). Bình quân công ty sản xuất khoảng 1.000 tấn sản phẩm/tháng, lượng điện tiết kiệm được là 40.000 - 50.000 kWh/tháng, tương đương trên 500 triệu đồng/năm.
Trong việc cải tiến hệ thống chiếu sáng thì việc giám sát công nghệ thiết bị đạt tiêu chuẩn TKNL là rất quan trọng.KCN Tân Bình và Tân Tạo đã triển khai thí điểm cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng nhưng không áp dụng biện pháp tắt 50% số đèn xen kẽ vì không đảm bảo ánh sáng, lại ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Giải pháp thực hiện là thay 169 bộ đèn Natri cao áp cũ, công suất lớn (250W) bằng đèn Natri cao áp thế hệ mới, công suất nhỏ hơn (150W) nhưng vẫn đảm bảo sự phân bố ánh sáng đồng đều trên mặt đường. Kết quả, sau 1 năm, KCN Tân Bình tiết kiệm được 52,7% lượng điện tiêu thụ (58.726 kWh), tương ứng với 67,15 triệu đồng. KCN Tân Tạo tiết kiệm được 48,7% (36.982 kWh), tương ứng với 37,8 triệu đồng. Bên cạnh đó, hai khu công nghiệp này còn tiết giảm được hơn 40 tấn khí CO2 thải ra môi trường. Thời gian tới, thành phố sẽ nhân rộng mô hình tiết kiệm điện này tại các KCN - KCX.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó TGĐ Tổng công ty điện lực TP HCM (EVN HCMC) cho biết, trong số hơn 232,8 triệu kWh điện (tương đương gần 325,7 tỷ đồng) toàn thành phố đã tiết kiệm được ở 7 tháng đầu năm 2011, khối DN sản xuất đã đóng góp trên 43,2 triệu kWh. Đây chưa phải là con số lý tưởng với 1 thành phố có tới hàng ngàn doanh nghiệp như TP HCM. Hiện các nhà máy công nghiệp là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng TKĐ và các giải pháp TKNL có tính bền vững nhất.
Bản thân ngành điện cũng thực hiện nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp tiết kiệm điện như tư vấn sử dụng công tơ 3 pha 3 giá nhằm khuyến khích doanh nghiệp sử dụng điện vào giờ thấp điểm (từ 22 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau). EVN HCMC đã tư vấn cho 326 khách hàng sản xuất trọng điểm thực hiện các giải pháp TKNL. Hỗ trợ kinh phí kiểm toán cho 98 doanh nghiệp, trong đó 76 DN đã thực hiện các giải pháp theo đề xuất của kiểm toán và đã tiết kiệm được 28,87 triệu kWh/năm, tương ứng với 34,6 tỷ đồng/năm. Đồng thời gặp gỡ 898 khách hàng lớn đề nghị ký thỏa thuận điều hòa phụ tải, chuẩn bị máy phát điện dự phòng, tư vấn cho họ cách sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý các KCN của thành phố để tuyên truyền, hỗ trợ và giám sát việc sử dụng điện của các DN trong KCN.
Ngoài việc thực hiện TKĐ, nhiều doanh nghiệp còn quan tâm tới những dự án tiết kiệm nước, giảm thiểu khí thải CO2 và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Khó khăn nhất với các DN là thiếu vốn đầu tư nhưng chưa biết vay vốn ở đâu.
Bên cạnh đó, việc tiết kiệm điện trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở các KCX - KCN còn chưa triệt để. Các KCN Tân Bình và Tân Tạo đang thí điểm mô hình tiết kiệm năng lượng, nhưng chỉ dừng lại ở lĩnh vực chiếu sáng công cộng.
Ông Lý cho rằng, để việc TKĐ ngày càng hiệu quả, ngoài các giải pháp, chế tài thì vấn đề tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sử dụng điện là rất quan trọng. Đồng thời, cần sự vào cuộc của các Bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài chính…để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thiết bị hiện đại, cải tiến công nghệ theo hướng TKNL.
Nếu công tác TKĐ thực hiện tốt hơn ở tất cả các lĩnh vực, nhất là trong các KCN-KCX thì chắc chắn hiệu quả đạt được sẽ lớn hơn rất nhiều.