Với vai trò đơn vị tham mưu và thực hiện chức năng của Bộ Công Thương về sử dụng TKNL hiệu quả, Vụ TKNL và phát triển bền vững đã triểín khai những hoạt động cụ thể nào, thưa ông?
Sau khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành năm 2010, các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành luật đã được Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành xây dựng và triển khai đồng bộ để thúc đẩy sử dụng TKNL hiệu quả.
Trong đó, Bộ Công Thương đã ban hành 7 thông tư quy định về định mức tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp trọng điểm như thép, hóa chất, sản xuất mía đường… Thời gian tới, Vụ TKNL và phát triển bền vững sẽ tiếp tục xây dựng, kiện toàn hệ thống quy chuẩn, các văn bản quy phạm pháp luật về định mức tiêu hao để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm cho những ngành công nghiệp trọng điểm. Qua đó, các ngành công nghiệp trọng điểm đều phải thực hiện những giải pháp về kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng và thực thi giải pháp TKNL.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 với mục tiêu phấn đấu tiết kiệm từ 5 - 7% năng lượng toàn quốc giai đoạn 2019 - 2025, 8 - 10% giai đoạn 2020 - 2030. Xin ông cho biết về chính sách hỗ trợ của Bộ Công Thương để thực hiện mục tiêu này?
Dưới góc độ một cơ quan được giao triển khai thực hiện chương trình, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch gồm 9 giải pháp đồng bộ cho giai đoạn đầu từ năm 2020 – 2025, đó là, xây dựng và kiện toàn các điều khoản hệ thống pháp luật trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả. Tăng cường hiệu quả, xử lý giám sát thực hiện chế tài xử phạt, khen thưởng khuyến khích các đơn vị thực hiện tốt quy định về sử dụng TKNL hiệu quả. Trong đó, hạt nhân là các cơ sở sử dụng năng lượng; đơn vị cung cấp dịch vụ, giải pháp công nghệ; tổ chức kinh tế tín dụng để cung cấp nguồn tài chính. Thông qua đó, các bên gặp nhau và thực hiện giải pháp TKNL trên quy mô lớn.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã thí điểm thành lập Quỹ Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với mục tiêu cung cấp nguồn tài chính ưu đãi cho các đơn vị để đầu tư vào năng lượng tiết kiệm. Đồng thời, Bộ cũng thực hiện đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế để huy động nguồn lực, nhất là trong bối cảnh sau khi Việt Nam tham gia thỏa thuận 3 bên về biến đổi khí hậu với cam kết giảm khí thải hiệu ứng nhà kính 8 - 10% và có thể giảm đến 25% nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Về cơ chế thúc đẩy, doanh nghiệp cũng sẽ tập trung giải quyết nguồn vốn trong giai đoạn mới.
Bên cạnh việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ, Bộ Công Thương đã tập trung quản lý và giám sát tiêu thụ điện năng trong kinh doanh. Vậy đối với doanh nghiệp vi phạm sẽ có chế tài như thế nào?
Hiện, đã có những chế tài về xử lý vi phạm pháp luật trong xử lý TKNL hiệu quả như Nghị định 134/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng TKNL và hiệu quả. Tuy nhiên, mức xử lý và các chế tài xử lý, hành vi vi phạm Luật Sử dụng TKNL và hiệu quả còn tương đối nhẹ. Nhiều địa phương, doanh nghiệp chưa thật sự ý thức và trách nhiệm sử dụng TKNL.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, đề xuất với Chính phủ sửa đổi điều 21 hướng dẫn về sử dụng TKNL hiệu quả và Nghị định số 134 theo hướng đẩy mạnh các chế tài, tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật lĩnh vực này.
Vấn đề quan trọng nữa đó là, xây dựng hệ thống đánh giá và giám sát toàn bộ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng theo địa phương, ngành và lĩnh vực. Song song với đó, xây dựng trung tâm dữ liệu đặt tại Bộ Công Thương. Trung tâm này sẽ giúp xác định đơn vị nào làm chưa tốt, các ngành có mức tiêu thụ công nghệ năng lượng/sản phẩm cao, lãng phí hay địa phương nào chưa thực hiện nghiêm…
Xin cảm ơn ông!