Ô nhiễm không khí đang ở mức báo động
Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa gia tăng tất yếu dẫn đến nhiều nguy cơ trên nhiều phương diện như kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, vấn nạn về môi trường, ô nhiễm không khí đã trở thành bài toán khó giải quyết tại Việt Nam nói riêng và quy mô toàn cầu nói chung.
Các chuyên gia, nhà khoa học bàn giải pháp nâng cao chất lượng không khí trong nhà ở đô thị |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam có 34.232 người tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đô thị hóa, dân số tăng nhanh, nhất là mật độ xây dựng, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến. Về nguồn gây ô nhiễm không khí, chủ yếu từ các nguồn tại chỗ, như hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt rác …
TS. KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc- cho biết, theo đánh giá vào cuối năm 2019, sự gia tăng không ngừng của lượng chất bụi trong không khí, cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam đang ở mức báo động. Quá trình đô thị hóa nhanh là một trong những nguyên chính gây ra những điều này.
Thời gian qua, bằng những nghiên cứu, sáng tác từ quy hoạch đến thiết kế, giới KTS đã đóng góp nhiều giải pháp hữu hiệu, nhằm cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên, hiện nay những giải pháp hoàn toàn tự nhiên chỉ đem lại hiệu quả tại những vùng có mật độ dân số thấp. Các vùng đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với mật độ dân số cao, thì giải pháp kết hợp giữa nhân tạo và tự nhiên là cần thiết để đem lại hiệu quả.
Hơn 300 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, kiến trúc sư trong và ngoài nước tham dự hội thảo |
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng không khí
Thực tế cho thấy, ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề riêng của các đô thị lớn hiện nay như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mà sẽ có tác động đến toàn bộ Việt Nam thời gian tới. Do đó, cần thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện vấn nạn ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng hiện nay.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng chia sẻ, trao đổi, đề xuất không chỉ trên phương diện Quy hoạch – Kiến trúc mà còn từ nhiều góc độ như Quản lý môi trường đô thị, công nghệ ứng dụng, kinh nghiệm hoạt động từ các dự án lớn, các đô thị thông minh trên thế giới.
Đại biểu tham quan gian hàng công nghệ về các giải pháp nâng cao chất lượng không khí tại hội thảo |
TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn - Chuyên gia quy hoạch - nhìn nhận, thực tế tại Việt Nam vẫn có rất nhiều khu vực thiên nhiên, chất lượng không khí tốt, hay những đô thị chưa có mật độ dân số cao, quy hoạch theo đúng cách, chất lượng không khí vẫn được đảm bảo, chất lượng không khí không phải vấn đề cần bận tâm.
Tuy nhiên với các đô thị lớn, các yếu tố từ giao thông, xây dựng, mật độ nhà ở đông đúc, chất lượng không khí bị ảnh hưởng lớn. Do đó, để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần có thêm giải pháp về quy hoạch, và các sản phẩm công nghệ. “Kiến trúc cũng là một giải pháp quan trọng trong việc cải thiện chất lượng không khí, nhưng xét trên tầm nhìn vĩ mô, giải pháp về quy hoạch và thể chế kiến trúc mới có thể giải quyết lâu dài được” - TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, KTS Nguyễn Tất Thắng – Chuyên gia cao cấp Bộ Xây dựng, đưa ra giải pháp cải thiện chất lượng không khí từ cả khía cạnh văn hoá và kỹ thuật. Trong đó, về văn hóa bằng cách áp dụng các thể chế pháp lý, ban hành những quy định để quản lý chất lượng môi trường không khí, đặc biệt với đất nước đa dạng về văn hoá như nước ta.
Ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề riêng của các đô thị lớn hiện nay như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà sẽ có tác động đến toàn bộ Việt Nam |
Còn về khía cạnh kỹ thuật, theo KTS Nguyễn Tất Thắng nên lồng ghép công nghệ vào các giải pháp thiết kế. Các KTS hiện nay thường áp dụng các giải pháp thụ động, để cải thiện chất lượng không khí, nhưng như vậy là chưa đủ. Vì nhìn chung, các giải pháp này, vẫn lấy không khí trực tiếp từ môi trường, nhưng chất lượng không khí bên ngoài ở các đô thị lớn hiện nay chưa đảm bảo chất lượng. Vậy nên, việc kết hợp giữa giải pháp kiến trúc và công nghệ là rất cần thiết.
Có thể thấy, các giải pháp được các chuyên gia, nhà khoa họcđề xuất và phân tích tại hội thảo một cách thấu đáo từ bản chất của xã hội học đô thị, bao gồm sự tương tác giữa thiết chế xã hội và văn hóa đô thị, điều này có ý nghĩa quyết định đến chất lượng môi trường sống.