Quang cảnh hội thảo
CôngThương - Theo ông Nguyễn Duy Phương – Tổng Giám đốc Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX), sau 1 năm đi vào hoạt động, VNX đã kết nạp được 19 thành viên là những công ty hoạt động uy tín trên thị trường, có năng lực hoạt động tốt cũng như năng lực tài chính đảm bảo. Tính đến 30-11-2011, tổng giá trị giao dịch thành công gần 9 ngàn tỷ đồng, trong đó giao dịch đối với các hợp đồng cao su RSS3 ước đạt 3,7 ngàn tỷ đồng, cà phê Robusta 2,1 tỷ đồng, cà phê Arabica 3,4 ngàn tỷ đồng… theo kế hoạch năm 2012, tổng giá trị giao dịch ước tính tăng 2,5 lần tương đương22,5 ngàn tỷ đồng.
Tại Đăk Lăk, Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) được thành lập theo quyết định số 2278/QĐ-UBND ngày 04/12/2006 của UBND tỉnh với mục tiêu là hình thành một thị trường tập trung đối với mặt hàng cà phê với phương thức giao dịch đấu giá khớp lệnh công khai, minh bạch cho mọi đối tượng, thành phần từ các hộ sản xuất, các đơn vị thu mua, chế biến, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu, đầu tư tài chính; đồng thời phối hợp với các đơn vị ủy thác các hoạt động dịch vụ liên quan như cung cấp thông tin, dịch vụ kiểm định, chế biến, tái chế, ký gửi hàng hóa, tín dụng… Về lâu dài, BCEC sẽ trở thành sàn giao dịch nông sản hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam.
Các ý kiến đánh giá, thảo luận tại hội thảo đều cho thấy, hoạt động giao dịch thông qua Sở giao dịch hàng hóa sẽ giúp cho tính minh bạch, công khai và công bằng của thị trường được thể hiện rõ hơn, giúp cho giá cả được khớp lệnh trên sàn giao dịch sẽ trở thành giá tham chiếu cho hoạt động mua bán trên thị trường. Đồng thời, thông qua việc theo dõi cung cầu trên thị trường sẽ giúp cho các nhà quản lý lên kế hoạch và quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu hàng hóa bám sát hơn với nhu cầu thực tế.
Hiện nay, Sở giao dịch hàng hóa đang niêm yết các mặt hàng chủ lực như: cà phê, cao su và thép. Sự ra đời của các hoạt động giao dịch hàng hóa qua VNX và BCEC đã bước đầu hoàn chỉnh kết cấu của thị trường tài chính Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu, hoạt động giao dịch hàng hóa thông qua VNX và BCEC vẫn còn rất khiêm tốn về số lượng và giá trị giao dịch.
Việc phát triển giao dịch hàng hóa thông qua Sở giao dịch hàng hóa vẫn còn gặp phải những khó khăn như: sự phát triển của thị trường tài chính còn hạn chế, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chính sách khuyến khích phát triển sàn giao dịch không có, người dân và các doanh nghiệp chưa quen với cách thức giao dịch qua sàn giao dịch, khả năng của sàn giao dịch còn hạn chế.
Để phát triển thị trường mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét và đổi mới các vấn đề như hệ thống thuế, hóa đơn và thủ tục hải quan, hệ thống báo cáo và các văn bản tài chính, các vấn đề liên quan đến cơ chế vận hành, quản lý rủi ro, phương thức bảo vệ nhà đầu tư, các vấn đề liên quan đến thanh toán bù trừ, ngân hàng thanh toán và hoạt động tạo lập thị trường...