Tìm kiếm cơ hội đầu tư để phát triển ngành thực phẩm Việt Nam
Các diễn giả tham gia đối thoại với doanh nghiệp ngành chế biến tực phẩm Việt Nam về cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực chế biến thực phẩm |
Diễn đàn quy tụ hơn 300 đại biểu là doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các nhà nhập khẩu, chuyên gia thực phẩm và gần 30 doanh nghiệp đầu tư đến từ Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc tham gia.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương cho biết, Diễn đàn Xúc tiến thương mại và Hợp tác đầu tư phát triển ngành thực phẩm Việt Nam lần 2 là một trong chuỗi hoạt động của Cục Xúc tiến Thương mại nhằm thu hút đầu tư phát triển ngành theo định hướng ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực, áp dụng các quy chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến, từ đó xây dựng thương hiệu và làm gia tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt.
Tại diễn đàn, ông Vũ Bá Phú thông tin, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu. Giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính khoảng 15% GDP và trong 5 năm trở lại đây, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến đã tăng trung bình 9,68%/năm, tiêu thụ đồ uống tăng trung bình 6,66%/năm. Hãng BMI Research cũng dự báo ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam đạt mức tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn 2015-2020 là 10,9%.
“Diễn đàn là cơ hội thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm của các doanh nghiệp trong nước từ các doanh nghiệp nước ngoài vốn có tiềm năng về khoa học kỹ thật, công nghệ cao trong lĩnh vữc chế biến thực phẩm”, ông Phú chia sẻ thêm.
Các chuyên gia về ngành chế biến thực phẩm ngoài nước đánh giá, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp có nhiều loại đặc sản giá trị cao về dinh dưỡng, chất lượng thơm ngon. Tuy nhiên khâu chế biến thực phẩm để sản phẩm có giá trị thương mại cao, có thương hiệu vẫn còn yếu, vì vậy tiềm năng hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước là rất lớn và cần thiết. Ông John G.Keogh, chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng cho rằng, Thái Lan cũng là một quốc gia nông nghiệp hiện nay họ đã xây dựng và theo đuổi khẩu hiệu “Thái Lan là nhà bếp của thế giới ” và khá thành công. Việt Nam hiện có lợi thế rất lớn và đủ sức để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, vấn đề là các doanh nghiệp nghĩ ra những kế hoạch dài hạn để hợp tác với các doanh nghiệp các nước xây dựng và phát triển lĩnh vực này.
Sản phẩm thực phẩm chế biến từ nguyên liệu hạt hạnh nhân, óc chó, mác ca của Công ty cổ phần KK FOOD tham gia trung bày tại diễn đàn và thu hút khá đông người tham quan. |
Trong khuôn khổ của diễn đàn, 50 gian hàng về thực phẩm chế biến của các doanh nghiệp đến từ TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bắc Giang, Nghệ An tham gia trưng bày sản phẩm. Trang trại Kim Hải (Bình Thuận) tham gia trưng bày các sản phẩm nước ép thanh long, thanh long viên, thanh long sấy dẻo. Đại diện Trang trại Kim Hải cho biết, sản phẩm chế biến từ nguyên liệu trái thanh long được trồng bằng mô hình kép kín theo tiêu chuẩn Global GAP và HACCP và hiện đã xuất khẩu được sang châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Trang trại đang có nhu cầu hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để tiếp tục đầu tư thêm công nghệ sản xuất thực phẩm từ nguyên liệu thanh long với mục tiêu xuất khẩu đi các nước.
Công ty cổ phần KK FOOD (quận 9, TP. Hồ Chí Minh ) tham gia trưng bày 7 mặt hàng thực phẩm chế biến từ nguyên liệu hạt óc chó, hạnh nhân, mác ca, dẻ cười nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Bà Nguyễn Thanh Lam, đại diện Công ty cổ phần KK FOOD cho biết, ba năm trước công ty nhập khẩu các loại hạt này về kinh doanh, để làm tăng thêm giá trị của thực phẩm và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, công ty đầu tư nhà máy để chế biến sâu. Các sản phẩm như hạnh nhân muối, hạnh nhân mật ong, qủa óc chó tách vỏ…được đóng hộp bằng công nghệ cao và an toàn vệ sinh dù mới đưa ra thị trường nhưng bước đầu đã được người tiêu dùng chấp nhận.