Theo NHCSXH, trong năm 2019, tổng doanh số cho vay đạt 72.814 tỷ đồng, tăng hơn 10.735 tỷ đồng so với năm 2018, với gần 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 266.000 lao động, trong đó giúp gần 7.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 36.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,2 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 15,6.000 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 4.000 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP...
Nguồn vốn tín dụng chính sách được tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu |
“Nguồn vốn tín dụng chính sách trong năm qua đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới... Đặc biệt đối với các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, NHCSXH đã chỉ đạo bổ sung nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn khôi phục sản xuất, đồng thời đã rà soát, thống kê xử lý rủi ro đối với 66.825 món vay, số tiền là 923.378 triệu đồng của người vay vốn bị thiệt hại”- bà Trần Lan Phương, Phó Tổng giám đốc cho biết .
Đến 31/12/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 211,8 nghìn tỷ đồng, tăng trên 17,4 nghìn tỷ đồng so với năm 2018. Năm 2019, là năm thứ 05 triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng 11.610 tỷ đồng, riêng năm 2019 tăng 3.634 tỷ đồng so với cuối năm 2018, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến nay đạt 15.443 tỷ đồng.
Cùng với việc tập trung thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao thì việc duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng luôn được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn hệ thống NHCSXH. Đến 31/12/2019, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.435 tỷ đồng, chiếm chỉ tỷ lệ 0,7% tổng dư nợ, giảm 0,12% so với năm 2018.
Bà Trần Lan Phương, Phó Tổng giám đốc NHCSXH: năm 2020 trọng tâm là đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số |
Theo bà Trần Lan Phương, năm 2020 của NHCSXH sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, thực hiện tốt kế hoạch tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao. NHCSXH tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có thiệt hại về thiên tai…Vốn tín dụng chính sách gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
NHCSXH sẽ đẩy mạnh các giải pháp về huy động vốn như: tập trung huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân, thu hồi tốt nợ đến hạn tạo nguồn vốn cho vay mới… Đồng thời, phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước tiến hành khảo sát, tổng kết đánh giá chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo; đề xuất tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
"NHCSXH sẽ Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số."- bà Phương khẳng định.