Cần nhân rộng việc thực hiện khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam Tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI bằng mô hình khu công nghiệp sinh thái |
Tín hiệu tích cực
Theo TS. Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai thực hiện Dự án triển khai khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Việt Nam với sự tài trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF). Việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái trong các năm 2015-2019 đã được thí điểm tại các tỉnh Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái là yêu cầu tất yếu (Ảnh: Cipco.vn) |
“Việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống từng bước sang khu công nghiệp sinh thái trong giai đoạn này đã bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Đã có hơn 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được tương đối khí CO2 hằng năm” – ông Phan Hữu Thắng thông tin.
Tiếp đó, từ năm 2020 đến 2024, dự án lại được triển khai tại 5 địa phương, và đã thực hiện chuyển đổi các khu công nghiệp hiện có sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, bao gồm: Khu công nghiệp Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), khu công nghiệp Đình Vũ - Deep C (Hải Phòng), khu công nghiệp Amata - Biên Hoà (Đồng Nai), khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng), khu công nghiệp Trà Nóc 1, khu công nghiệp Trà Nóc 2 (Cần Thơ). Đây là các khu công nghiệp được chuyển đổi theo hướng khu công nghiệp sinh thái theo khung quốc tế. Những khu công nghiệp này là tiền đề để nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái trên cả nước.
Đánh giá lại việc thực hiện dự án, ông Phan Hữu Thắng cho rằng: Với việc chuyển đổi các khu công nghiệp hiện có sang khu công nghiệp sinh thái đã có 603 giải pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên (RECP) được thực hiện. Trong đó 217 giải pháp đã được 88 doanh nghiệp triển khai, thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và vật liệu, giảm 8.910 tấn CO2/năm, đã góp phần tiết kiệm 69,2 tỷ đồng/năm tương đương 2,9 triệu USD.
"Việc chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái bước đầu đã đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời huy động được nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu" - TS Phan Hữu Thắng khẳng định và cho rằng: Việc tổ chức thực hiện định hướng phát triển bền vững khu công nghiệp từ mô hình truyền thống hiện có sang mô hình các khu công nghiệp sinh thái thực sự quan trọng và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Tại Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý đưa ra số liệu, đến năm 2030 sẽ có từ 40% - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái; 8% - 10% địa phương có định hướng xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái sẽ được thực hiện đồng thời với chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái. Tuy vậy đến nay có rất ít khu công nghiệp truyền thống thực hiện chuyển đổi sang mô hình các khu công nghiệp sinh thái và mới chỉ đang được thực hiện thí điểm ở một số khu công nghiệp.
Trong khi đó, phát triển tăng trưởng xanh, khu công nghiệp sinh thái là mô hình phát triển đúng hướng vì thu hút đầu tư gắn với tiêu chuẩn xanh. Đây là biểu hiện của tư duy mới của các nhà hoạch định chính sách để đón dòng vốn đầu tư thế hệ mới cả trong và ngoài nước. Các khu công nghiệp sinh thái xuất hiện sẽ tạo động lực mới để chuyển đổi khu công nghiệp của cả nước theo tiêu chuẩn mới, góp phần thu hút hiệu quả FDI đạt tiêu chuẩn xanh, sinh thái và truyền tải thông điệp quan trọng đến các nhà đầu tư quốc tế nhất là đầu tư thế hệ mới về một môi trường thu hút đầu tư xanh, sạch, sinh thái và bền vững.
Hình thành hệ thống khu công nghiệp sinh thái là con đường tất yếu và hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay (Ảnh KCN Trà Nóc) |
Để nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái
Từ phân tích trên có thể thấy hình thành hệ thống khu công nghiệp sinh thái là con đường tất yếu và hết sức cần thiết và đang là sự thôi thúc trong bối cảnh hiện nay. Để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, để đạt được mục tiêu thu hút được dòng đầu tư chất lượng cao, để khát vọng trở thành quốc gia phát triển bền vững thành hiện thực, việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái, và các khu công nghiệp mới được xây dựng theo mô hình sinh thái thì cần có quyết tâm hành động cùng với các chính sách, cơ chế và phù hợp.
Song để mô hình khu công nghiệp sinh thái nhân rộng trên cả nước và phát huy vai trò tích cực đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của quốc gia, theo TS Phan Hữu Thắng, cần sớm xác định ngay lộ trình chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp truyền thống sang các khu công nghiệp sinh thái. Và xây dựng mới các khu công nghiệp sinh thái phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau, tính khả thi của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp.
Đồng thời cần rà soát các qui định hiện hành về việc chuyển đổi các khu công nghiệp với mô hình truyền thống hiện có sang mô hình phát triển các khu công nghiệp sinh thái bền vững theo tăng trưởng xanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp. Và các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cần chuyển nhanh chóng thực hiện việc chuyển đổi.
Đặc biệt, cần sớm hoàn chỉnh và đồng bộ về thể chế, chính sách, mô hình phát triển và phương thức quản lý các khu công nghiệp theo mô hình các khu công nghiệp sinh thái. Nhà nước cần có các hỗ trợ nhất định về thuế, về tài chính, về đất đai… cho các đối tượng thực sự có khó khăn trong việc cần chuyển đổi mô hình khu công nghiệp từ truyền thống sang sinh thái.