Tỉnh Bắc Giang: Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP
Hiệu quả cao sau 4 năm triển khai Chương trình OCOP
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP của tỉnh Bắc Giang đã mang lại kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Các đại biểu thăm quan khu trưng bày các sản phẩm đạt chuẩn OCOP tỉnh Bắc Giang. |
Đến nay, toàn tỉnh có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên thuộc 10/10 huyện, thành phố, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 138 sản phẩm đạt 3 sao. Có 78,4% chủ thể sản xuất là hợp tác xã; 8,2% là doanh nghiệp và 13,4% là cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Song song với đó, thời gian qua, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được tỉnh quan tâm chú trọng. Trong giai đoạn 2018-2022, tỉnh đã hỗ trợ cho trên 100 lượt hợp tác xã, doanh nghiệp với khoảng 350 lượt sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối cung - cầu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức. Hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (đã có hơn 80% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn thương mại điện tử)...
Khu trưng bày các sản phẩm OCOP đạt 4 sao tỉnh Bắc Giang. |
Các sản phẩm được công nhận đều mang đặc trưng sản xuất của các làng nghề truyền thống, làng nghề như: Mỳ Chũ, mỳ Châu Sơn, rượu Vân, bún Đa Mai… Bên cạnh các sản phẩm nổi tiếng khác đã phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: Gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa, vú sữa Hợp Đức, mật ong Tây Yên Tử, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo… Các sản phẩm đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như ISO 22000, HACCP, VietGAP, Global GAP… Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp như: Sản phẩm của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO xuất sang thị trường Đức; các sản phẩm của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu xuất sang Pháp; các sản phẩm giấm của Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang Lục Ngạn xuất sang thị trường Trung Quốc; bánh nông sản Bình Minh xuất sang thị trường Hàn Quốc… Đặc biệt là các sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa đã được xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc… và các sản phẩm được xuất khẩu dưới dạng gia công hoặc qua bên thứ ba như: Mỳ Chũ Green sang Nhật Bản; vải khô sang thị trường Trung Đông… từ đó đã nâng tầm vị thế của sản phẩm nông sản Bắc Giang trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đến năm 2030 sẽ có 350 sản phẩm OCOP
Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 350 sản phẩm OCOP, trong đó có 4 sản phẩm đạt 5 sao.
Mục tiêu là vậy, song quá trình thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang hiện đang gặp một số khó khăn do nguồn lực triển khai chương trình chủ yếu là lồng ghép. Số lượng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình hàng năm nhiều nhưng thực tế sản phẩm đủ điều kiện đánh giá, phân hạng thấp. Sản phẩm OCOP chủ yếu vẫn là sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp.
Các sản phẩm OCOP đạt 3 sao của tỉnh Bắc Giang |
Song song với đó, quy mô sản xuất nhỏ, phục vụ thị trường hẹp, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế. Chưa có quy chế quản lý, kiểm tra, giám sát các sản phẩm sau khi đã được cấp chứng nhận và chế tài xử lý khi sản phẩm không duy trì được các tiêu chí của chương trình. Công tác tuyên truyền chưa đa dạng, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP tiềm năng chưa hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia OCOP. Hay công tác rà soát phát triển sản phẩm mới tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa hoặc ít quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống...
Để tháo gỡ khó khăn trong phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang, thời gian tới, các cơ quan quản lý cần tăng cường kết nối giữa các chủ thể OCOP với các đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Hỗ trợ các chủ thể OCOP đầu tư máy móc, thiết bị chế biến sâu, ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cấp các chứng nhận về quy trình sản xuất để chủ thể tự tin đưa các sản phẩm đi xa hơn và xuất khẩu.
Hiện nay, các mặt hàng của Bắc Giang chủ yếu ở dạng tươi sống, chưa có nhiều loại được đầu tư chế biến sâu. Điều này dẫn đến sự đơn điệu và làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường, đối tượng khách hàng cũng bị bó hẹp... Chính vì vậy, các chủ thể cần phối hợp với cơ quan quản lý duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu mang nhiều giá trị văn hóa, giá trị cộng đồng, đặc biệt là các làng nghề truyền thống.
Xác định điều đó, tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực tuyên truyền về sản phẩm OCOP, từ đó, thúc đẩy các doanh nghiệp đăng ký và phát triển các thương hiệu nhãn hiệu cho riêng mình. Cùng với đó, mỗi chủ thể OCOP cần tự có trách nhiệm với sản phẩm của mình từ mẫu mã, bao bì, chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm bởi mỗi sản phẩm OCOP được công nhận đã góp phần gia tăng giá trị không chỉ về kinh tế mà cả về giá trị văn hóa cho địa phương.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất đi đôi với việc tuân thủ các quy trình về quản lý chất lượng; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tổ chức các hội chợ, đặc biệt chú trọng đến việc tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử. Xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực hỗ trợ phát triển sản phẩm, nâng hạng sao sản phẩm OCOP và phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia.