Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,73 triệu tấn, trị giá 675,16 triệu USD, giảm 5,1% về lượng và giảm 3,4% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân đạt 389,2 USD/tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính riêng mặt hàng sắn, xuất khẩu đạt 268,45 nghìn tấn, trị giá 58,08 triệu USD, giảm 56,4% về lượng và giảm 56,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá xuất khẩu bình quân đạt 216,4 USD/tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn lớn nhất của Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc đạt 1,52 triệu tấn, trị giá 595,25 triệu USD, giảm 4,6% về lượng và giảm 1,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu bình quân đạt 391,2 USD/tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 8 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của nước này đạt 3,96 triệu tấn, trị giá 1,23 tỷ USD, giảm 21,2% về lượng và giảm 15,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc từ Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 646,92 nghìn tấn, trị giá 230,82 triệu USD, giảm 14,1% về lượng, nhưng tăng 2,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Lượng sắn lát và tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 16,3% tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2019.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc đạt 2,38 triệu tấn, trị giá 541,01 triệu USD, giảm 36,2% về lượng và giảm 38,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Thái Lan, Việt Nam và Campuchia là 3 thị trường cung cấp sắn lát chính cho Trung Quốc.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, thị phần sắn lát Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc giảm, khi chỉ còn chiếm 7,2% tổng lượng sắn lát nhập khẩu của Trung Quốc, trong khi thị phần của Thái Lan, Campuchia và Lào tăng.
8 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 171,29 nghìn tấn sắn lát từ Việt Nam, trị giá 31,6 triệu USD, giảm tới 64,4% về lượng và giảm 69,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Tinh bột sắn Việt Nam |
Trái ngược với sắn lát, tinh bột sắn Việt Nam lại tăng mạnh về lượng và giá trị nhập khẩu vào Trung Quốc, qua đó tăng đáng kể thị phần ở thị trường này.
8 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc đạt 1,58 triệu tấn, trị giá 695,04 triệu USD, tăng 21,8% về lượng và tăng 16,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc nhập khẩu mặt hàng tinh bột sắn chủ yếu từ các thị trường như: Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Lào.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 475,63 nghìn tấn, trị giá 199,21 triệu USD, tăng tới 74,5% về lượng và tăng 64% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018,
Trong khi đó, nhập khẩu tinh bột sắn từ Thái Lan chỉ đạt 1,07 triệu tấn, trị giá 479,2 triệu USD, tăng 9,9% về lượng và tăng 5,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Còn nhập khẩu từ Campuchia đạt 34,05 nghìn tấn, giảm 22,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Chính vì vậy, thị phần của tinh bột sắn Việt Nam từ mức 20,9% trong 8 tháng đầu năm 2018 đã tăng lên tới 30% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay.
Còn thị phần của tinh bột sắn Thái Lan từ 75,5% đã giảm xuống còn 67,5%. Thị phần của tinh bột sắn Campuchia giảm từ 3,4% xuống còn 2,1%.
Thông tin từ Hiệp hội Sắn Việt Nam, cho hay, hiện tại, hầu hết nhà máy chế biến sắn trên cả nước đã chạy máy vụ 2019-2020. Nguồn cung hàng hóa tăng mạnh, trong khi nhu cầu mua hàng từ phía Trung Quốc vẫn chưa tăng, cho dù đã bước vào mùa lạnh.
Cũng theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, đến ngày 25/10/2019, danh sách 89 đơn vị đăng ký xuất khẩu sản phẩm sắn đợt tháng 9/2019 vẫn chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đăng tải lên hệ thống mạng. Bộ NN-PTNT Việt Nam đang có kế hoạch gặp mặt trao đổi với phía bạn vào đầu tháng 11/2019 để giải quyết vấn đề trên.