Hoà Bình: Huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo bước đột phá |
Kinh tế phục hồi và phát triển
Năm 2022, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh Hòa Bình. Theo đó, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; thường xuyên, liên tục, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phải luôn bám sát tình hình, yêu cầu thực tiễn để chủ động có biện pháp phù hợp phòng, chống dịch theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 08/11/2021 của UBND tỉnh, từng bước “bình thường hóa” với dịch Covid-19.
Mô hình tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình mới tỉnh Hòa Bình dự kiến nâng cấp thành đường cao tốc |
Đến nay, ở trong nước cũng như tỉnh Hòa Bình cơ bản đã kiểm soát tốt được dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 01, 02/NQ-CP của Chính phủ và đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Kiên định thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế hậu đại dịch.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực; hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt 5,13%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.256,8 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu ước đạt 702,63 triệu USD, tăng 21,38% so với cùng kỳ năm trước; có 32 dự án đầu tư trong nước được quyết định chủ trương đầu tư và 304 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; có trên 1,8 triệu lượt khách du lịch, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước.
Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình |
Các giải pháp hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các chính sách hỗ trợ đối với người lao động, người sử dụng lao động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tiếp tục được quan tâm thực hiện. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được chú trọng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, cải cách hành chính tiếp tục có chuyển biến tích cực; đã tổ chức thành công Chương trình nghệ thuật “Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường” và Carnival 2022. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm.
Phấn đấu tăng trưởng 9%
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, thời gian qua, tăng trưởng kinh tế của tỉnh còn ở mức khiêm tốn. Nguyên nhân là do môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh còn ở nhóm thấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và thu ngân sách nhà nước vẫn còn khó khăn.
Với quyết tâm khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo động lực hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng 9%, UBND tỉnh đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Kịch bản tăng trưởng các quý còn lại của năm 2022. Đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, một là, đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư; tập trung xử lý các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án, nhất là các công trình trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo động lực phát triển.
Hai là, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là trụ cột quan trọng vừa tạo ra kết cấu hạ tầng đồng bộ, vừa tạo ra lưu chuyển hàng hóa, tạo điều kiện thu hút đầu tư, kích thích sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Ba là, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bốn là, kích thích tiêu dùng, đẩy nhanh tiêu thụ hàng hóa cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Đây là những nhiệm vụ, giải pháp góp phần nắm bắt cơ hội, phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Hòa Bình 6 tháng đầu năm đạt 5,13%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 3.256,8 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu đạt 702,63 triệu USD, tăng 21,38% so với cùng kỳ năm trước. |