Tỉnh Quảng Ninh: Lấp khoảng trống trong thiếu hụt lao động
Nguy cơ thiếu hụt lao động
Hiện tỉnh Quảng Ninh có 11 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có 5 khu công nghiệp đang hoạt động với trên 18 nghìn lao động, với tốc độ phát triển nhanh của các dự án trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chưa bao giờ “hạ nhiệt”, đặc biệt là các dự án dệt may, dự án điện tử...
Từ năm 2016 - 2021, trung bình mỗi năm, tỉnh Quảng Ninh đã giải quyết việc làm cho khoảng 28,8 nghìn lao động, trong đó, việc làm tăng thêm cho 18,5 nghìn lao động. Giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu mỗi năm giải quyết việc làm cho 29,5 nghìn lao động. Ước tính, Quảng Ninh còn đang thiếu từ 20 -30 nghìn lao động mỗi năm.
Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, tỉnh Quảng Ninh đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng, đặc biệt là lao động có kỹ thuật, trình độ cao |
Được biết, để đảm bảo sản xuất, nhiều doanh nghiệp buộc phải tăng ca, tăng giờ làm thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, an toàn trong sản xuất. Thậm chí có doanh nghiệp phải trực tiếp đi các tỉnh lân cận tuyển lao động, thuê lao động thời vụ. Số lao động đã được tuyển dụng vào làm cũng thường xuyên thay đổi chỗ làm, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp.
Ngoài ra, trình độ lao động cũng là một trở ngại lớn, trước khi đưa lao động vào làm việc, doanh nghiệp đều phải đào tạo tay nghề một thời gian nhất định. Đây cũng là một bất cập trong công tác đào tạo hiện nay. Ngoài ra, sự hợp tác, gắn kết giữa các cơ sở giáo dục với doanh nghiệp, đặc biệt là công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp còn hạn chế, đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực của doanh nghiệp.
Cần sự kết nối chặt chẽ của các bên liên quan
Phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược của tỉnh Quảng Ninh, để thực hiện, tỉnh đã ban hành, triển khai nhiều chính sách liên quan đến việc làm như Nghị quyết số 142/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 của HĐND tỉnh về Chương trình làm việc tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016- 2020; Quyết định số 4103/QĐ-UBND ngày 3/11/2020 của UBND tỉnh ban hành Chương trình việc làm tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025.
Để tháo gỡ khó khăn, ngoài việc tự đăng tin tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp tại Quảng Ninh còn nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền địa phương làm cầu nối để người lao động dễ dàng tìm đến doanh nghiệp. Như riêng năm 2021, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 68 phiên giao dịch việc làm; giới thiệu việc làm, hỗ trợ tuyển dụng cho 4.670 lượt lao động và 550 lượt doanh nghiệp.
Theo Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Quảng Ninh, thời gian vừa qua, đơn vị đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng; đẩy mạnh hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động; tăng cường sử phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong tuyển dụng lao động cũng như sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ; thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng ít lao động.
Tại Trường cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, đơn vị tuyển sinh, đào tạo, cung ứng phần lớn lao động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, thay vì tuyển dụng lao động các tỉnh Tây Bắc như trước kia, hiện nay nhà trường đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tập trung khai thác thị trường lao động khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nhà trường đã ký quy chế phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động, thu hút lao động tham gia các khóa đào tạo. Hay tại Trường cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng (Bộ Công Thương), đơn vị đã tăng cường ký kết hợp tác nhân sự với các tập đoàn lớn tại Quảng Ninh như SUN Group vùng Đông Bắc….
Các cấp chính quyền cần tiếp tục quan tâm trong công tác quy hoạch hoặc bổ sung quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế; đẩy mạnh triển khai các công trình văn hóa công cộng, tăng cường các hoạt động văn hóa, tinh thần công nhân ở các khu công nghiệp, khu kinh tế và từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho công nhân.
Bên cạnh đó, bàn thân các doanh nghiệp cũng cần tích cực có các chính sách, đãi ngộ giúp người lao động có việc làm phù hợp, thu nhập hợp lý, có cơ hội phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc lành mạnh, tiến bộ nhằm giữ chân người lao động làm việc ổn định, lâu dài…