Tỉnh Yên Bái và “cuộc cách mạng” chuyển đổi số
Do đó, nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số của tỉnh xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp trong toàn hệ thống chính trị và mỗi người dân.
Đầu tư cho chuyển đổi số một cách trọng tâm, trọng điểm
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái cho biết, với nguồn lực còn hạn hẹp, Yên Bái chủ trương chuyển đổi số theo cách riêng. Đó là, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực đã có sẵn dữ liệu đầu vào, dễ làm trước, khó làm sau. Tỉnh ưu tiên xây dựng chính quyền số với mục tiêu xuyên suốt là nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; triển khai các mô hình thí điểm chuyển đổi số và từ đó đánh giá mục tiêu, công nghệ, cách làm, tính hiệu quả trước khi nhân rộng.
Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Tỉnh ủy Yên Bái ban hành vào tháng 7/2021. Từ đó đến nay, UBND tỉnh xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện nghị quyết, các kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Với sự vào cuộc nghiêm túc và bài bản của Tỉnh ủy, tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phấn đấu thứ hạng của Yên Bái vào nhóm 30/63 tỉnh, thành phố của cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh. Đến năm 2030, thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, sẵn sàng thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, tiếp tục phấn đấu nâng thứ hạng của Yên Bái trên Bảng xếp hạng đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) hằng năm.
Nhiều dự án đi vào cuộc sống
Để hoàn thành mục tiêu này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ trương thành lập Trung tâm Điều hành thông minh và Trung tâm Chuyển đổi số trên cơ sở tổ chức lại Cổng Thông tin điện tử tỉnh trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh và Trung tâm công nghệ thông tin & truyền thông tỉnh Yên Bái trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, đồng thời giao nhiệm vụ cho 02 đơn vị quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị thông minh phục vụ công tác chuyển đổi số của tỉnh.
Khai trương Trung tâm giám sát, điều hành thông minh thành phố Yên Bái |
Bên cạnh đó, Tỉnh đã hoàn thành và bắt đầu đi vào khai thác sử dụng Trung tâm tích hợp dữ liệu điện tử tỉnh Yên Bái (DC); Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng tỉnh Yên Bái (SOC); Hệ thống camera giám sát chung phục vụ giám sát an ninh, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Mạng Truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến nay đã được triển khai tại 408 điểm; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh Yên Bái triển khai 183 điểm cầu, kết nối từ Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng cấp ủy, chính quyền cấp huyện và được mở rộng đến 173 xã trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Yên Bái cũng đã tập trung phát triển chính quyền điện tử, hạ tầng chính quyền số phục vụ hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, chính quyền trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet.
Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện mức độ 4 được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 425 dịch vụ đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt 78,33%; 100% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính tại 3 cấp chính quyền góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Quá trình triển khai xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội số, tỉnh đã chú trọng thu hút phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, thương mại điện tử và sản xuất thông minh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh triển khai các nền tảng phục vụ chuyển đổi số. Từ đó, tỉnh Yên Bái đã xây dựng và bước đầu đi vào vận hành hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, thông tin về sản phẩm OCOP; hỗ trợ trên 100 doanh nghiệp hoàn thiện hạ tầng thương mại điện tử trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Yên Bái. Đưa 607 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, 42 sản phẩm OCOP lên sàn postmart.vn, 72 sản phẩm OCOP lên sàn voso.vn và đã bán ra trên 6.200 đơn hàng.
Đến nay, 100% đơn vị cấp xã có băng rộng cáp quang; tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 94%; tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng điện thoại thông minh đạt 94,7%. 100% cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm quản lý giáo dục. 100% cấp huyện có hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (telehealth) và là tỉnh thứ 6 trên cả nước triển khai thí điểm hệ thống telehealth đến cấp xã.
Năm 2022, chuyển đổi số đã được xác định là một khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của toàn tỉnh. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh, đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm đưa vào khai thác, sử dụng Dự án Trung tâm Điều hành xử lý dữ liệu tập trung đa nhiệm tỉnh Yên Bái, thuộc Đề án Xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Yên Bái.
Bằng các bước đi cụ thể, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh địa phương, tin rằng mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái sẽ sớm trở thành hiện thực.