Tại hội thảo chuyên đề về “Pháp luật kinh doanh bảo hiểm và giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ”, do Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức mới đây tại Kiên Giang, các đại biểu đã bàn sâu về vấn đề này.
Tham dự hội thảo, hơn 100 đại biểu là các thẩm phán, chuyên gia luật của TANDTC, tòa án địa phương, đại diện Bô Tư pháp, Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và 18 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ đã nghe 6 tham luận từ các thẩm phán, chuyên gia của TANDTC với 3 nhóm chủ đề: Quy định đặc thù trong giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; Những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về bảo hiểm nhân thọ dưới góc nhìn của thẩm phán và các đề xuất, kiến nghị; Những vướng mắc, bất cập trong giải quyết tranh chấp bảo hiểm nhân thọ tại tòa án dưới góc nhìn của doanh nghiệp bảo hiểm và các đề xuất, kiến nghị.
Các vấn đề liên quan đến trường hợp bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin không trung thực; Quyền lợi có thể được bảo hiểm; Tính lãi trong việc trả tiền bảo hiểm hoặc tiền bồi thường; Từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm do chưa đủ thời gian chờ; Kết hợp với thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc; Thời hiệu khởi kiện; Việc đánh giá tài liệu, chứng cứ; Việc cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật kinh doanh bảo hiểm... cũng đã được các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận làm rõ.
Từ những thông tin phản ánh trên, đại diện cho cơ quan quản lý bảo hiểm, ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm cho biết sẽ xem xét, tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Về phía TANDTC, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC cho rằng, sự trao đổi thẳng thắn của các chuyên gia đã làm rõ một số điểm còn chưa thống nhất, những vướng mắc, bất cập của các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Ông Tuệ cho biết, TANDTC sẽ nghiên cứu, xem xét việc ban hành những tài liệu hướng dẫn xét xử, giúp tòa án các cấp có quan điểm thống nhất trong áp dụng luật, đảm bảo sự công bằng cho cả người tham gia bảo hiểm và DNBH.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, với 18 DNBH nhân thọ được cấp phép hoạt động trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2017 đạt 66.230 tỷ đồng; tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng đạt 13.976 tỷ đồng; tổng số tiền các DNBH nhân thọ thực hiện tái đầu tư vào nền kinh tế trên 190.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngành bảo hiểm nhân thọ đóng vai trò đáng kể trong việc cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ phát triển kinh tế đất nước khi thực hiện việc đầu tư lớn vào trái phiếu chính phủ có thời hạn dài từ 20-30 năm. Ngành bảo hiểm nhân thọ cũng góp phần tạo ra việc làm cho trên 560.000 lao động. |