Theo nghiên cứu Phục hồi Kinh doanh của Visa do Wakefield Research thực hiện trong năm 2020, hơn 2/3 (67%) doanh nghiệp nhỏ đã thay đổi cách tiếp cận để duy trì hoạt động kinh doanh của mình kể từ khi Covid-19 lan rộng. Hơn 1/4 (28%) đã bắt đầu thực hiện quảng cáo trên mạng xã hội, tiếp theo là các sản phẩm hoặc dịch vụ được bán trực tuyến (27%), cho phép thanh toán không tiếp xúc như thanh toán qua di động hoặc thẻ (20%) và cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà (20%).
Với tốc độ tăng trưởng và nhu cầu số hóa trong thanh toán ngày càng tăng cao, giao thương giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) là một lĩnh vực cần được ưu tiên hiện đại hóa. Tuy nhiên, chuyển khoản ngân hàng vẫn đang là phương thức thanh toán chiếm tỉ lệ cao trong tổng chi tiêu thương mại (CCE) hàng năm trị giá 330 tỷ USD. Một phần nguyên nhân là do nhận thức của thị trường đối với thẻ tín dụng doanh nghiệp còn nhiều bỏ ngỏ, cũng như nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nắm rõ những lợi ích tài chính to lớn và thiết thực mà loại thẻ này mang lại.
Những lợi ích này có thể kể tới như: Tối ưu hóa hoạt động quản lý doanh nghiệp và kế hoạch kinh doanh, tiết kiệm chi phí, quy trình kế toán tốt hơn và giảm thiểu quá trình quản lý…
Theo các chuyên gia, khi đạt được mức tăng trưởng nhất định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tối ưu hóa hoạt động kinh doanh để tiết kiệm chi phí và tạo tiền đề mở rộng thị trường. Theo đó, doanh nghiệp cần bắt đầu tích hợp các giải pháp thanh toán vào hệ thống vận hành của họ. Việc số hóa các giao dịch thanh toán bằng thẻ doanh nghiệp có thể giúp doanh nghiệp nhanh chóng ghi nhận các khoản chi tiêu và phân loại chi phí, cho phép họ dễ dàng xác định hoạt động kinh doanh đang tốn kém hoặc không hiệu quả. Như vậy, thẻ tín dụng doanh nghiệp có thể hoạt động như một công cụ lập kế hoạch kinh doanh và điều phối ngân sách một cách tối ưu.
Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào - cho biết: Khi hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp ngày càng phát triển và quốc tế hóa, việc thực hiện giao dịch nhanh và hiệu quả sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu. Tính liền mạch và an toàn của thanh toán số cho phép doanh nghiệp lập kế hoạch kinh doanh tốt hơn, tiết kiệm chi phí đáng kể và tối ưu hóa nguồn tài chính. Thẻ doanh nghiệp Visa sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi này và giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.
Được biết, thẻ thanh toán dành cho doanh nghiệp sẽ cho phép doanh nghiệp nhỏ hợp lý hóa quy trình thanh toán trong khi vẫn được hưởng ưu đãi, hoàn tiền và các lợi ích khác như thường lệ. Quan trọng hơn, thẻ doanh nghiệp Visa có gia hạn tín dụng lên đến 55 ngày, không tính lãi suất, giúp cải thiện dòng tiền của doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ có thể tăng năng suất của mình bằng các công cụ kỹ thuật số (ví dụ: G Suite và Microsoft Office) và điện toán đám mây (ví dụ: Xero và Sage), kèm với thẻ Visa dành cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tận dụng ưu đãi và chiết khấu đặc biệt trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopify, Booster và BigCommerce bằng thẻ Visa. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp nhỏ có thể nâng cao các kỹ năng kinh doanh bằng cách truy cập các khóa học LinkedIn Learning và HBR Ascend, cũng như nền tảng quảng cáo trực tuyến như Google Ads để xác định và thu hút khách hàng trực tuyến tốt hơn.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% trong số 760.000 doanh nghiệp tại Việt Nam. Do đó, việc áp dụng các phương thức thanh toán hiện đại sẽ góp phần giúp doanh nghiệp đạt được mức tăng trưởng mong muốn. Với vai trò đóng góp đến 45% GDP và tạo ra 5 triệu việc làm vào cuối năm 2019, cải thiện quy trình vận hành và quản lý chi tiêu của doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đồng nghĩa với việc giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn và tiếp tục vươn lên trong khu vực và trên toàn cầu.