50% số bộ, ngành chưa chia sẻ thông tin thống kê Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao: Tổng cục Thống kê giải thích gì? |
Tại Tọa đàm “Số liệu thống kê và Truyền thông chính sách” do Tổng cục Thống kê và Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào ngày 19/6, nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về cách tổng hợp, biên soạn số liệu thống kê tới các nhà báo, góp phần tạo đồng thuận xã hội, nâng cao công tác truyền thông về các chính sách, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Thời gian qua, ngành Thống kê đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê và tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới đông đảo đối tượng dùng tin trong nước và quốc tế.
Ngành Thống kê luôn xác định việc đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin thống kê là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài thể hiện trong nhiều hoạt động của ngành |
Ngành Thống kê luôn xác định việc đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin thống kê là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài thể hiện trong nhiều hoạt động của ngành, trong đó có việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý, cập nhật danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phù hợp với quốc tế và thực tiễn của Việt Nam. Đây là căn cứ để định kỳ 5 năm và hằng năm, Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tạo thuận lợi cho lãnh đạo các cấp trong việc sử dụng thống nhất, đồng bộ các chỉ tiêu từ trung ương đến địa phương nhằm theo dõi, giám sát, đánh giá, quản lý, điều hành tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.
Ngành Thống kê đã đẩy mạnh đổi mới cách thức thu thập thông tin thống kê, sử dụng phiếu điện tử thay thế phiếu giấy nhằm có được thông tin chính xác, kịp thời; nghiên cứu xây dựng đề án về tư liệu hóa và chuyển đổi số trong ngành; tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ của người làm công tác thống kê. Đặc biệt, đã có nhiều chuyên gia từ các tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, giám sát các cuộc điều tra, tổng điều tra hoặc các nghiệp vụ chuyên sâu của Tổng cục Thống kê, như các chuyên gia đến từ: ILO (Tổ chức Lao động quốc tế), UNFPA (Quỹ Dân số Liên hợp quốc) trong Tổng điều tra dân số và nhà ở, Điều tra Lao động việc làm; chuyên gia IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) trong đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam…
Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Hương, trong quá trình triển khai hoạt động, ngành Thống kê vẫn gặp những bất cập cần được khắc phục như: Số liệu đôi khi công bố còn chưa kịp thời, đặc biệt với những tình hình diễn biến bất thường trong nền kinh tế; thiếu những số liệu thống kê chuyên ngành sâu hoặc số liệu cấp cơ sở; công tác tuyên truyền chưa thật tốt, đặc biệt với các vấn đề liên quan nghiệp vụ chuyên môn, dẫn đến việc chưa hiểu rõ, không đồng thuận với số liệu của một số người dùng tin...
Trên cơ sở đó, đại diện Tổng cục Thống kê mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành cùng ngành Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa những thông tin, số liệu thống kê kịp thời, đầy đủ hơn, đến gần hơn với đông đảo công chúng.
“Sự tin tưởng, sử dụng số liệu thống kê một cách trách nhiệm trong mỗi con chữ, dòng tin, bài viết của các cơ quan báo chí sẽ tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi để tiếp tục trăn trở, nghiên cứu, tìm cách thức, phương pháp để thông tin thống kê ngày càng chất lượng hơn” – bà Nguyễn Thị Hương khẳng định.