Cầu Nhật Tân - một trong những dự án trọng điểm quốc gia, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Hội thảo nhằm mục tiêu đánh giá tác động, thực trạng, những khó khăn vướng mắc trong việc huy động và sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài và các nguồn vốn khác trong 20 năm qua. Hội thảo cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất cũng như giải pháp để nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng hiệu quả vốn ODA cùng các nguồn vốn khác tại Việt Nam để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020.
Chặng đường 20 năm (1995-2015) là chặng đường mang tính bước ngoặt, khẳng định đường lối đổi mới và hội nhập đúng đắn, trong đó, sự hợp tác chặt chẽ và thường xuyên với các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế thông qua nguồn vốn ODA.
Nguồn vốn ODA tại Việt Nam được thực hiện dưới 3 hình thức chủ yếu gồm nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 10%-12%, nguồn vốn ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 80% và nguồn vốn ODA hỗn hợp chiếm khoảng 8%-10%.
Theo thống kê, từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD, bình quân 3,5 tỷ USD/năm, vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã giải ngân gần 54 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết.
Hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA cũng được các nhà tài trợ đánh giá tích cực, Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt.
Gần 80 tỷ USD mà các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trong 20 năm qua không chỉ mang đến cho Việt Nam nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực... quan trọng hơn sự cam kết này cũng đồng thời khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn của Đảng và Chính phủ Việt Nam, sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả nổi bật trên, công tác thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều bất cập. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, năng lực hấp thụ ODA tại Việt Nam, công tác quản lý còn nhiều hạn chế; tiến độ giải ngân nguồn vốn còn chậm; các quy trình thủ tục phức tạp. Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chức năng cần đánh giá để khắc phục những hạn chế, yếu kém cả về cơ chế chính sách, cả về giải pháp trong quản lý ODA; tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo nguồn vốn ODA sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả và chống thất thoát
Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc huy động và sử dụng các nguồn vốn ODA trong những năm qua bộc lộ một số hạn chế chủ yếu do năng lực hấp thụ ODA của quốc gia, ngành, địa phương và những dự án cụ thể, tỷ lệ giải ngân ODA so với nguồn vốn ODA đã ký kết còn rất thấp, tính chung mới đạt khoảng 63%.
Thiết kế một số chương trình, dự án ODA chưa sát với thực tế, phân bổ nguồn vốn ODA còn dàn trải, việc lồng ghép dự án ODA với một số chương trình mục tiêu quốc gia còn trùng lặp. Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng đầu tư công nói chung, ODA nói riêng còn thấp, đây là một trong những nguyên nhân tác động đến tính bền vững và an toàn của nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia.
Ngoài ra, công tác quản lý ODA còn những sai phạm về vi phạm các quy định ODA của Chính phủ và nhà tài trợ.
Ông Nguyễn Thành Đô, Nguyên Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) dẫn chứng một số ví dụ điển hình trong việc sử dụng không hiệu quả nguồn vốn ODA như dự án trích dầu cám ở Bến Tre và dự án dây chuyền dệt bao đay ở Thành phố Hồ Chí Minh vay vốn ODA từ Ấn Độ. Vì công nghệ lạc hậu, không có nguyên liệu và không có nơi tiêu thụ sản phẩm nên sau khi bàn giao không vận hành được. Dự án nhà máy thủy sản đông lạnh Hạ Long, vay vốn ODA Itlay - thất bại do sản phẩm không cạnh tranh được thị trường...
Ông Nguyễn Thành Đô cũng cho rằng, một số cơ quan hưởng thụ nguồn vốn ODA vẫn còn quan niệm "ODA thời bao cấp" coi "ODA không hoàn lại là Chính phủ cho, ODA vay vốn là Chính phủ trả nợ."
Hậu quả của quan niệm sai lệch này là tranh thủ nguồn vốn ODA mà không tính toán hiệu quả kinh tế, tính bền vững sau dự án và khả năng trả nợ. Cơ chế chính sách quản lý nhà nước về ODA chưa đồng bộ, thủ tục phê duyệt rờm rà, bộ máy cồng kềnh, trách nhiệm của cấp thực hiện dự án không rõ ràng gây lãng phí, ách tắc, giảm tính linh hoạt trong quá trình triển khai; đồng thời không phân định được trách nhiệm của các đơn vị khi thực hiện trong trường hợp dự án không hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị các chương trình, dự án để đăng ký sử dụng vốn còn sơ sài, một số trường hợp công tác chuẩn bị dự án phó mặc cho tư vấn nước ngoài, vì vậy khi triển khai thực hiện gặp nhiều vướng mắc, phải điều chỉnh, bổ sung văn kiện dự án kéo dài ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư...
Hệ thống văn bản pháp quy về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA mặc dù đã được các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục xây dựng, sửa đổi bổ sung để kịp thời hoàn thiện song theo đánh giá vẫn còn xung đột với các văn bản pháp quy khác, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng.
Bên cạnh đó, sự khác biệt về quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ, đặc biệt trong lĩnh vực đấu thầu, chính sách về an sinh xã hội (đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư...) đã gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện; các văn bản pháp quy liên quan đến ODA chưa đáp ứng được yêu cầu thủ tục trong nước với nhà tài trợ, gây khó khăn cho các cấp quản lý và cấp thực hiện nguồn vốn ODA, ông Trịnh Ngọc Tuấn, Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội, cho biết.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng nguồn vốn ODA, đối với nguồn vốn ODA không hoàn lại sẽ sử dụng thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ chính sách, phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người; hỗ trợ trực tiếp cải thiện đời sống kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân, nhất là người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; chuẩn bị chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Đối với vốn vay ODA, sử dụng chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; những chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước có thể tạo ra nguồn thu để phục vụ lợi ích kinh tế-xã hội quốc gia.
Đối với vốn vay ưu đãi, sẽ sử dụng đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, có nguồn thu và khả năng trả nợ chắc chắn như xây dựng các nhà máy điện, các tuyến đường cao tốc thu phí, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao ở các thành phố lớn, hệ thống thông tin liên lạc viễn thông, các công trình sản xuất có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao...
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV kiến nghị, cần tập trung thu hút và sử dụng vốn ODA cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội có khả năng tự hoàn vốn nhanh, phù hợp với nhu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Đặc biệt, các chương trình, dự án phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, phát triển doanh nghiệp trong nước ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các chương trình, dự án đầu tư công quan trọng khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại.
Về hoàn thiện cơ chế chính sách, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về ODA của Việt Nam theo hướng hài hòa với quy trình và thủ tục của Nhà tài trợ về vốn đối ứng cho các chương trình, dự án. Vốn đối ứng cho các chương trình, dự án hiện đang là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thực hiện ở nhiều dự án.
Do đó, BIDV đề xuất xem xét đổi mới phương thức bổ sung nguồn vốn đối ứng thông qua các hình thức thu hút các nguồn lực của xã hội để bổ sung nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA thông qua việc cho phép các thành phần kinh tế (Nhà nước và tư nhân) tham gia đầu tư cho các dự án dưới hình thức BOT, BT, PPP, qua đó giảm gánh nặng cho Ngân sách Nhà nước./.