Cụ thể, vào lúc 6 giờ, một đoạn bờ sông Trà Nóc qua khu vực 2, phường Trà An, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ đã bị sạt lở với chiều dài 54m, ăn sâu vào bờ hơn 14m.
Vụ sạt lở đã làm ảnh hưởng 7 căn nhà liền kề nằm ven sông (trong đó có hai dãy nhà trọ, một căn nhà có kết cấu 1 trệt, 1 lầu). Hiện các vết nứt xuất hiện nhiều và có nguy cơ sạt lở thêm.
Vụ sạt lở trên sông Trà Nóc. |
Theo báo cáo ban đầu của quận Bích Thuỷ, vụ sạt lở có chiều dài 54m, ăn sâu vào đất liền 14,10m đã làm trên 761,10m² đất sạt lở.
UBND phường Trà An cho biết, ngày 1/4, UBND phường cùng Ban nhân dân khu vực 2 đã kiểm tra ghi nhận hiện trạng các nhà số 54 và số 56 đường Lê Thị Hồng Gấm có nguy cơ sạt lở. Hiện, UBND phường đã vận động người dân không sinh sống tại khu vực có nguy cơ sạt lở và di chuyển ngay đến vị trí an toàn. Ngoài ra, địa phương đã huy động lực lượng thường trực quân sự phường hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc.
Cùng ngày 3/4/2024, một vụ sạt lở tại kênh Cần Thơ Bé kéo dài 35m, thuộc phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt đã cuốn 3 căn nhà xuống kênh. Địa phương đã cử lực lượng đến giúp người dân di dời đồ đạc đến nơi ở tạm an toàn.
Hiện trường vụ sạt lở trên Sông Cần Thơ Bé. |
Trước đó ngày 2/4/2024, trên tuyến Rạch Chanh (thuộc khu vực Long Thành, phường Long Hưng, quận Ô Môn) cũng xảy ra sạt lở một đoạn dài khoảng 25m. Vụ sạt lở làm ảnh hưởng tuyến đường, khiến lộ bê tông nông thôn có nguy cơ đổ sụp, giao thông đi lại bị ảnh hưởng.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng công an, dân quân... phong tỏa hiện trường, không để người dân qua lại khu vực nguy hiểm, đồng thời triển khai các phương án khắc phục.
Theo Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cần Thơ, các vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, tuy nhiên ảnh hưởng đến cuộc sống, đi lại của người dân.
Tình hình sạt lở được dự báo sẽ tiếp tục xảy ra do đang vào cao điểm mùa khô. Hiện chính quyền đang chỉ đạo các địa phương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.