TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI
7 tháng/2015 TP.HCM thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI/KCNC |
Được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, có nhiều thế mạnh về cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực và các trung tâm thương mại - dịch vụ được đánh giá tốt nhất, có thể đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà đầu tư, nên TP.HCM luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn FDI.
Theo Cục thống kê TP Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến ngày 15/7, đã có 284 dự án có vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn thành phố với vốn đăng ký đạt 2,02 tỷ USD (so với cùng kỳ tăng 35,2% về số dự án và tăng gấp 2,1 lần về vốn). Ngoài ra, có 89 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng 456,5 triệu USD (so với cùng kỳ tăng gấp 4,1 lần về vốn điều chỉnh). Như vậy tổng số FDI vào TP.HCM trong 7 tháng/2015 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Vốn FDI của TP.HCM chiếm khoảng 30% tổng số vốn FDI vào Việt Nam.
Các ngành nghề và lĩnh vực có vốn đầu tư mới dẫn đầu tại TP.HCM vẫn tập trung vào kinh doanh bất động sản, tư vấn, công nghiệp, thương mại, khách sạn, nhà hàng, vận tải, xây dựng... Các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn vào TP.HCM là Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…
Nguồn vốn FDI đã trở thành nguồn lực bổ sung rất quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là cho khu vực công nghiệp và dịch vụ của thành phố. Điều này chứng minh các nhà đầu tư đã và đang xem môi trường đầu tư thành phố khá hấp dẫn, có nhiều điều kiện và cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo báo cáo nghiên cứu Danh sách các thành phố năng động của Tập đoàn quản lý bất động sản Jones Lang LaSalle - JLL (Mỹ) công bố trong tháng 7/2015 cho thấy, nhờ vốn FDI tăng cao và chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng đã góp phần làm cho TP.HCM trở thành thành phố có biên độ phát triển lớn nhất. Trong 120 thành phố được JLL thống kê thì TP.HCM nằm trong top thành phố năng động nhất cùng với London (Anh); San Jose (Mỹ); Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Thượng Hải (Trung Quốc); Boston (Mỹ)…
Cũng theo báo cáo đánh giá của JLL, khi các nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm kiếm các cơ sở sản xuất gia công bên ngoài Trung Quốc thì Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn nhất đối với các công ty đa quốc gia. Điển hình là nhà máy mới của Samsung trị giá 1,4 tỷ USD tại Khu công nghệ cao TP.HCM cho thấy sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài đang tập trung vào TP.HCM.
Để có được kết quả quan trọng này, theo đánh giá của các chuyên gia, các nhà đầu tư cho thấy, việc cải thiện hạ tầng, môi trường đầu tư đã giúp cho các nhà đầu tư tin tưởng và cố gắng để có được một vị trí đầu tư tốt tại TP.HCM. Ngoài thực thi các chính sách của trung ương như áp dụng các luật mới liên quan đến đầu tư đã được sửa đổi theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, lộ trình giảm thuế thu nhập DN tiếp tục được triển khai theo đó đến năm 2016, thuế thu nhập DN sẽ giảm từ 22% xuống còn 20%., thành phố tiếp tục cải tạo cơ sở hạ tầng, triển khai và đưa vào hoạt động các tuyến metro, monorail, hoàn thiện các tuyến đường vành đai, đẩy nhanh tiến độ di dời và phát triển hệ thống cảng biển. Bên cạnh đó là đầu tư tạo quỹ đất thuận lợi cho nhà đầu tư như hoàn thiện quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng các Khu công nghệ cao 2, Khu đô thị cảng Hiệp Phước…