Chủ tịch Quốc hội: Việt Nam là điểm đến an toàn và hấp dẫn cho các nhà đầu tư Thu hút đầu tư nước ngoài: Đừng chỉ nhìn vào “mặt trái” của tấm huy chương |
Thu hút đầu tư suy giảm
Tính lũy kế từ 1988 đến tháng 4/2023, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước với 11.668 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt hơn 56,68 tỷ USD. Số này có thể đạt gần 80,91 tỷ USD nếu cộng cả số góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp.
Hoạt động đầu tư nước ngoài đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng nâng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phù hợp với sự phát triển của một đô thị lớn. Khu vực FDI cũng đã thực hiện chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực và có tác động lan tỏa công nghệ nhất định tới khu vực doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ....
TP. Hồ Chí Minh lấy lại vị thế thu hút đầu tư nước ngoài |
Tuy nhiên gần đây, vốn đầu tư nước ngoài TP. Hồ Chí Minh có dấu hiệu suy giảm và chịu áp lực cạnh tranh từ nhiều địa phương khác. Bà Mai Phong Lan - Phó trưởng Phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và tư nhân - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết: năm 2022 tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài, tính chung cấp mới và vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 4,33 tỷ USD, bằng 60,29% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2021. Trong 4 tháng/2023 thành phố nhận được 979,6 triệu USD, giảm 23,4% so với cùng kỳ 2022.
Theo PGS. TS Ngô Ngọc Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh việc TP. Hồ Chí Minh suy giảm thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần được đánh giá nghiêm túc, đầy đủ về việc xác định đúng thế mạnh của mình trong bối cảnh mới.
Ông Ngô Nghị Cương - Giám đốc điều hành C+ Consult chia sẻ TP. Hồ Chí Minh từng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong thời gian dài, nhưng gần đây sức hút đó đã suy giảm đáng kể. Điều này yêu cầu TP. Hồ Chí Minh đánh giá một cách đầy đủ về việc xác định đúng thế mạnh của mình trong bối cảnh mới. Nhà đầu tư hiện nay quan tâm nhiều vấn đề khác ngoài lợi nhuận, bao gồm môi trường đầu tư, khả năng cung ứng, điều kiện sống cho nhà đầu tư, đội ngũ chuyên gia.
Thực tế, TP. Hồ Chí Minh có lợi thế về vị trí chiến lược nhưng cũng đang đối mặt nhiều bất lợi về mặt xã hội như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm không khí… là các vấn đề mà nhà đầu tư, đội ngũ chuyên gia e ngại khi đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Muốn đạt được các mục tiêu thu hút đầu tư trong giai đoạn mới, TP. Hồ Chí Minh cần có đánh giá về các nhà đầu tư tiềm năng mà mình muốn thu hút.
Lấy lại vị thế thu hút đầu tư
Để nguồn vốn FDI tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, TP. Hồ Chí Minh đang đặt mục tiêu nâng cao cả giá trị và số lượng dự án đăng ký đầu tư, cụ thể giai đoạn 2023 - 2025 tăng tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký trong tổng số vốn FDI cả thành phố lên hơn 70% và lên 75% trong giai đoạn 2026 - 2030.
Trong ngắn hạn và trung hạn, TP. Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút đầu tư các ngành kinh tế số, công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ khí chính xác; vật liệu mới, dược phẩm, công nghiệp sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch… Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải liên thông, kết nối giao thông đường bộ, cảng biển, hàng không…
Ngoài ra, thu hút FDI sắp tới cần nhắm vào mục tiêu phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại. Nên mời gọi sự tham gia của các hiệp hội, tổ chức trong các lĩnh vực này để có thể giúp kêu gọi đối tác trong ngành đến thành phố.
Bà Cao Thị Phi Vân - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho hay, trước đây, chính sách thuế là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư cũng là lợi thế của TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với quy định áp thuế tối thiểu toàn cầu, lợi thế đó không còn. Vấn đề nhà đầu tư cần nhất hiện nay là môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, chính sách rõ ràng, dễ hiểu, ít thay đổi và dự báo được; tiếp đến là nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật giao thông, khả năng kết nối chuỗi cung ứng với khu vực. Chính vậy, TP. Hồ Chí Minh cần đáp ứng các yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm, đảm bảo tính minh bạch, ổn định của chính sách, phát triển hạ tầng đồng bộ cũng như thúc đẩy liên kết vùng một cách chặt chẽ.