Sôi động thị trường đồ lễ cúng Tết ông Công ông Táo Lễ ông Công ông Táo: Thả cá chép như thế nào để không phạm đại kỵ? Cách chọn cá đẹp, khỏe cúng ông Công ông Táo |
Hàng hóa đa dạng
Ngày 2/2 theo ghi nhận của phóng viên Vuasanca tại TP. Hồ Chí Minh, thị trường hàng hóa tiêu dùng trong ngày tiễn ông Công ông Táo 23 tháng Chạp năm nay khá nhộn nhịp, nhiều nhóm ngành hàng có sức mua tăng cao hơn ngày thường.
Cụ thể, ghi nhận tại các chợ truyền thống như: Chợ Tân Định, chợ Bà Chiểu, chợ Bình Triệu, chợ Thanh Đa, chợ Quách Thị Trang... không khí mua bán sôi động hơn.
Tại chợ Thiếc (quận 10), chợ "cõi âm" nổi tiếng nhất TP. Hồ Chí Minh sáng sớm ngày 2/2 (23 tháng chạp), các loại vàng mã cúng ông Công ông Táo được bày bán đa dạng mẫu mã, chủng loại.
Theo đó, bộ Táo Quân có giá dao động từ 25.000 - 200.000 đồng một bộ, các sản phẩm tiền vàng, thỏi vàng Thần Tài... có giá từ 10.000 - 25.000 đồng một lễ.
Mặt hàng trái cây giá ổn định |
Chị Trang (kinh doanh vàng mã tại chợ Thiếc) cho hay, đồ cúng trong ngày lễ ông Công, ông Táo quan trọng nhất và không thể thiếu là vàng mã, 3 bộ trang phục (áo, mũ, hài) cùng cá chép đỏ. "Hiện nay giá bán những bộ Táo quân không thay đổi so với năm ngoái, dao động trong khoảng 25.000 - 200.00 đồng/bộ (tùy kích thước, chất lượng), các sản phẩm tiền vàng, thỏi vàng thần tài... có giá từ 10.000 - 25.000 đồng/lễ... Cho đến thời điểm này, mỗi ngày tôi bán khoảng 200 bộ vàng mã ông Công, ông Táo", chị Trang nói.
Tương tự, tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), các sạp hàng vàng mã, bánh kẹo, trái cây, hoa… phục vụ ngày Tết ông Công ông Táo thu hút đông đúc khách mua hàng từ đầu giờ sáng.
Đa dạng mặt hàng hoa, bộ đồ cúng ông Công ông Táo |
Cụ thể, các loại hoa tươi cúng như hoa cúc, hồng giá từ 8.000 - 15.000 đồng/bông, bưởi Diễn có giá 20.000 - 35.000 đồng/quả, thanh long ruột đỏ giá 50.000 - 60.000 đồng/kg... tăng nhẹ so với ngày thường.
Đặc biệt giá quả phật thủ tăng cao nhất, được bán với mức 70.000 - 80.000 đồng/quả, tăng khoảng 20.000 đồng so với ngày thường.
Bên cạnh vàng mã, hoa trái, cá chép cũng là vật không thể thiếu trong ngày Tết ông Công ông Táo, cá chép đỏ phóng sinh giá 10.000 - 30.000 đồng một con tùy kích thước.
Năm nay người dân thắt chặt chi tiêu nên cá chép sống bán khá chậm |
Ngoài cá chép sống, nhiều mẫu cá chép bằng xôi, thạch, bánh trôi cá chép với giá dao động từ 30.000 - 100.000 đồng cũng được bày bán đa dạng.
Giá ổn định
Mặc dù hàng hóa đa dạng, song sức mua có phần giảm so với mọi năm. Anh Nguyễn Văn Thương – tiểu thương bán cá chép sống tại chợ Bình Triệu - cho biết số lượng khách hỏi mua chỉ đếm trên đầu ngón tay. "Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tôi đã dự trù giảm 50% lượng hàng mà vẫn ế", anh Thương cho hay.
Chị Minh, tiểu thương bán gà tại khu chợ này cho biết hàng hóa ế hơn so với năm ngoái. "Trước khách còn phải đứng xếp hàng chờ tôi làm gà, nay thì đỏ mắt tìm không thấy khách dù giá giảm", chị Minh nói.
Khảo sát các chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), Tân Định (quận 1), Nguyễn Tri Phương (quận 10) lượng khách mua hàng cũng thưa thớt. Các tiểu thương cho biết những năm trước, cá chép, thịt gà, heo, giò chả bán 7-8 giờ sáng là hết hàng, nay tới gần 10h trưa vẫn dư.
Chị Ngọc Thủy, tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương, TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại sức mua ở chợ truyền thống thấp, do đó các tiểu thương cũng khá cẩn trọng khi nhập hàng về bán. Đồng thời, nỗ lực bình ổn giá tốt nhất có thể để giữ chân người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây tại chợ chỉ hoạt động bán buôn nhộn nhịp vào buổi sáng nên tiểu thương, thương nhân nào không có chính sách giá và chất lượng phục vụ tốt với khách hàng thì hoạt động bán buôn sẽ bị ảnh hưởng về doanh số.
Tại một số chợ đầu mối như Hóc Môn, Thủ Đức, nhiều quầy hàng trước đây bán hết trong đêm, nay kéo dài tới sáng. Thậm chí, nhiều thương nhân phải khuyến mãi, giảm giá để xả hàng.
Báo cáo của các chợ đầu mối ở hai thành phố lớn cho thấy lượng hàng nhập về chợ dồi dào, nhưng sức mua không tăng so với ngày thường. "Chưa năm nào sức mua yếu như năm nay dù đã cận kề Tết. Do đó, nhiều tiểu thương lo ế hàng", đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho biết.
Tình hình này cũng được ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, đề cập tại phiên họp kinh tế - xã hội của thành phố sáng 1/2. "Giá hàng không biến động lớn, nhưng sức mua tại các chợ truyền thống còn thấp", ông Vũ nói. Trong khi đó, tại các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, thương mại điện tử sôi động hơn. Về tổng thể, nhu cầu mua sắm của người dân vẫn tăng.
Trong khi đó, tình trạng găm hàng, đẩy giá lên cao năm nay được giảm thiểu, theo ông Nguyễn Trần Phú, Phó giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh. Thống kê của cơ quan này cho thấy, giá các mặt hàng thiết yếu như thịt gia súc gia cầm, rau quả và bia rượu nước giải khát bình ổn. Riêng mặt hàng bánh kẹo tăng giá khoảng 5% so với ngày thường.