Việt Nam có sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên Đà Nẵng: Ký kết thúc đẩy các hoạt động liên quan đến tín chỉ carbon Tín chỉ carbon: Công cụ kinh tế hiệu quả trong bảo vệ môi trường |
Sử dụng mái nhà cơ quan, công sở phát triển năng lượng mặt trời
Theo Nghị quyết 98/2023/QH15, TP. Hồ Chí Minh được thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Thí điểm cơ chế này bao gồm việc ban hành các quy định, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho thị trường tín chỉ carbon, cơ chế tài chính, các hoạt động hỗ trợ xây dựng và vận hành thí điểm các dự án trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Giải pháp của TP. Hồ Chí Minh tập trung vào nhánh thị trường tự nguyện giảm phát thải khí nhà kính và trung hòa carbon. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh xin được sử dụng mái nhà cơ quan công sở, là tài sản công, để đầu tư hệ thống điện mặt trời, chuyển thành tín chỉ carbon và bán ra thị trường carbon, vừa tạo nguồn thu vừa đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Trung tâm dịch vụ đậu xe Tiên Tiến (TP. Hồ Chí Minh) lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời. Ảnh: Minh Kỳ |
Một tính toán gần đây cho thấy, nếu lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại Bệnh viện đa khoa Củ Chi thì mỗi năm sẽ giảm phát thải khoảng 500 tấn carbon (tương đương 500 tín chỉ carbon). Nếu giá một tín chỉ carbon là 5 USD, doanh thu từ dự án giảm phát thải carbon này sẽ khoảng 2.500 USD/năm.
Theo Nghị quyết 98/2023/QH15, UBND thành phố phối hợp với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường xác định tỷ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ carbon.
Nên tạo ra hàng hóa để thí điểm
Ông Hoàng Thái Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) - cho rằng, hiện tuy chưa có thị trường carbon nhưng TP. Hồ Chí Minh bước đầu có thể tạo ra hàng hóa để thí điểm các chính sách. Ông Sơn cũng khẳng định, nếu TP. Hồ Chí Minh lập tổ công tác để triển khai việc này thì Bộ Tài chính và Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ tích cực phối hợp.
Ở góc nhìn khác, TS Trần Văn Nguyên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - cho rằng, bên cạnh thực hiện thí điểm thị trường carbon, TP. Hồ Chí Minh có thể sử dụng công cụ trái phiếu xanh, bao gồm trái phiếu xanh của doanh nghiệp và của chính quyền địa phương.
“Để làm được điều này, TP. Hồ Chí Minh cần sớm công bố thông tin danh mục các dự án xanh, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia vào thị trường trái phiếu xanh trên cơ sở vận dụng và cụ thể hóa Nghị quyết 98. Việc đầu tiên là phải có sản phẩm, ưu tiên sản phẩm đặc thù của TP. Hồ Chí Minh chứ không dàn trải.” - TS Trần Văn chia sẻ.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - chỉ ra, TP. Hồ Chí Minh nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, khuyến khích nhu cầu cũng như cơ hội để mua bán. “Ngoài thị trường tuân thủ, thì thị trường trao đổi tự nguyện cũng nên tận dụng các sở giao dịch có sẵn. Về phía cơ quan nhà nước, phải nhanh chóng để có được khung chính sách.” - ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh
Ngoài ra, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để thực hiện được cơ chế bù trừ carbon hiệu quả, TP. Hồ Chí Minh nên thiết lập một cơ quan làm đầu mối hỗ trợ phát triển, khác biệt với cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Trong ngắn hạn, cơ quan này xác định các dự án có thể được thực hiện nhanh chóng, tương đối dễ dàng.
Về lâu dài, cơ quan đầu mối này sẽ phát triển sáng kiến hợp tác với các tổ chức thuộc khu vực tư nhân để giúp họ ước tính tài khoản carbon của mình, đồng thời khám phá và thực hiện các dự án giảm phát thải nhằm mục đích sau khi bù trừ sẽ giảm lượng phát thải.