Tín chỉ carbon: Công cụ kinh tế hiệu quả trong bảo vệ môi trường Tăng sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số từ việc bán tín chỉ carbontín |
Chiều 20/10, tại TP. Đà Nẵng diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty CP ExCarbon – Nền tảng giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện với Công ty CP Thực phẩm Vườn Rừng Tây Giang và Công ty CP GEEZ NET-ZERO về thúc đẩy, phát triển các hoạt động liên quan đến giao dịch tín chỉ carbon, chuyển nhượng quyền phát thải, bao gồm tín chỉ carbon.
Công ty CP ExCarbon ký kết hợp tác với Công ty CP Thực phẩm Vườn Rừng Tây Giang |
Theo biên bản ghi nhớ hợp tác, Công ty CP ExCarbon sẽ tư vấn, hỗ trợ 2 công ty đối tác trong việc xây dựng hồ sơ, quy trình thủ tục để xin cấp tín chỉ carbon, cũng như hỗ trợ các bên tìm kiếm đối tác giao dịch tín chỉ carbon. Công ty CP Thực phẩm Vườn Rừng Tây Giang và Công ty GEEZ NET-ZERO sau đó sẽ thực hiện các giao dịch mua bán tín chỉ carbon trên nền tảng giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện ExCarbon.
Theo ông Phí Văn Việt – Giám đốc Công ty CP ExCarbon, hiện nay, còn nhiều đơn vị trồng rừng ở Việt Nam chưa biết đến việc xây dựng hồ sơ, chuẩn hóa quy trình trồng rừng để được cấp tín chỉ carbon; ngược lại, nhiều doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu mua tín chỉ carbon cũng không gặp được người bán trực tiếp.
“Với hoạt động ký kết ngày hôm nay, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần thúc đẩy các giải pháp xanh và giảm phát thải khí nhà kính. Chúng tôi tin rằng thông qua việc hợp tác này có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững”, ông Phạm Thanh Hoàng – Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vườn Rừng Tây Giang nói.
Các doanh nghiệp Đà Nẵng tiên phong thúc đẩy các hoạt động liên quan đến tín chỉ carbon và giao dịch tín chỉ carbon |
Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại COP26 về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Việc cắt giảm khí nhà kính là bắt buộc. Bên cạnh đó, EU – Thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng đã chính thức thông qua Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, đánh thuế carbon đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ các nước không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường do EU đặt ra. Dù có 3 năm chuẩn bị (doanh nghiệp chỉ phải khai báo lượng khí thải liên quan đến 6 nhóm sản phẩm), tuy nhiên, từ năm 2026, nhiều nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ phải chịu thuế carbon.
Theo lộ trình tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP, từ năm 2025, các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành (đối tượng là 1.912 doanh nghiệp có phát thải lớn ra môi trường) sẽ phải trực thực hiện kiểm kê khí nhà kính và phải giảm khí nhà kính theo hạn ngạch (bắt buộc).
Những yếu tố trên mở ra cơ hội rất lớn cho các hoạt động giao dịch mua bán tín chỉ carbon. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự kiến trong tương lai, mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon tự nguyện được cung cấp. Dự kiến, đến năm 2025, Việt Nam sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, và đến năm 2028 sẽ đi vào vận hành chính thức. Song song với sàn này, trong tương lai sẽ có nhiều nền tảng, sàn giao dịch tín chỉ carbon khác ra đời, đáp ứng nhu cầu giao dịch, mua bán mặt hàng đặc trưng này.