TP.HCM: "Bơm" thêm vốn hỗ trợ DN hàng bình ổn
Các DN nhận cờ thi đua của Bộ Công Thương sáng ngày 31/3 tại TP.HCM.
Tại Hội nghị Sơ kết Chương trình bình ổn thị trường năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 tổ chức sáng ngày 31/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đại diện Bộ Công Thương đã trao tặng cờ thi đua, bằng khen cho các đơn vị, cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc tham gia chương trình hàng bình ổn của TP.HCM.
Bà Lê Ngọc Đào- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM- cho biết, chương trình hàng bình ổn năm 2014 của TP.HCM có 76 DN tham gia (tăng 12 DN so với năm 2013) gồm 8 ngân hàng, 68 DN sản xuất kinh doanh. Chương trình thực hiện kết nối ngân hàng để DN tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp và những đồng vốn đã được giải ngân đã phát huy tác dụng rất cao.
Cụ thể, tổng nguồn vốn ngân hàng đăng ký vay là 8.300 tỷ đồng, tăng 6.340 tỷ đồng so với năm 2103, trong đó vốn ngắn hạn chiếm 2.800 tỷ đồng, lãi suất vay 5,5- 6%/năm; vốn vay trung và dài hạn 2.150 tỷ đồng, lãi suất 7-10%.
Năm qua các ngân hàng thương mại còn triển khai cho vay 1.132 tỷ đồng hỗ trợ 5 DN làm hàng xuất khẩu với lãi suất 2,5- 3% USD/năm. Cho tiểu thương chợ truyền thống vay 1.050 tỷ đồng, lãi suất 8%/năm nhằm kết thúc tình trạng vay nóng của các tổ chức tín dụng đen với lãi suất cao.
Ông Lê Văn Khoa- Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM- cho biết, năm 2015 TP.HCM tiếp tục không sử dụng vốn ngân sách, thực hiện bằng xã hội hóa, thông qua hình thức kết nối DN sản xuất, kinh doanh với ngân hàng với hạn mức vay và lãi suất ưu đãi.
DN tham gia 4 chương trình bình ổn thị trường năm 2015 là 85 DN, tăng 9 DN so với năm 2014. Năm nay có 11 tổ chức tín dụng (tăng 3 đơn vị so với năm 2014) tham gia ứng vốn cho DN làm hàng bình ổn. Tổng hạn mức tín dụng các ngân hàng đăng ký là 11.850 tỷ đồng, tăng 3.550 tỷ đồng so với năm 2014, lãi suất giảm từ 0,5-2%, đồng thời bổ sung thêm gói tín dụng hỗ trợ DN xuất khẩu, nâng tổng số lên 4 gói tín dụng.
Theo đó các ngân hàng sẽ “bơm” 6.100 tỷ đồng cho DN trong chương trình hàng bình ổn vay lưu động ngắn hạn 12 tháng, lãi suất 5- 6%/năm(giảm 1- 2% so với năm 2014); cho vay trung và dài hạn 2.100 tỷ đồng, lãi suất 7- 10% (giảm 1%) để DN đầu tư chuồng trại, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối.
Các ngân hàng chi 2.750 tỷ đồng cho DN ngoài chương trình tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất hàng bình ổn vay ngắn hạn 12 tháng, lãi suất 6,5- 8,5%/năm (giảm 0,5-1%) và cung cấp thêm 900 tỷ đồng để hỗ trợ DN xuất khẩu với lãi suất 2-4%/năm.
Đại diện Ngân hàng Thương mại Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, năm 2015 ngân hàng đã đăng ký gói tín dụng 1.500 tỷ đồng hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống kinh doanh. Trong nguồn vốn mà ngân hàng giải ngân, một phần trong đó dành để tổ chức các lớp học về ứng dụng thương mại điện tử dành cho giám đốc, phó giám đốc, trưởng phó phòng của DN tham gia hàng bình ổn, lớp học về kỹ năng bán hàng dành cho tiểu thương, lớp học về kỹ năng quản lý dành cho ban quản lý chợ truyền thống.
Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Lê Ngọc Đào đánh giá, nhờ sự hợp tác về nguồn vốn từ phía ngân hàng các DN làm hàng bình ổn mới đủ lực để để mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, tạo nguồn hàng, mở rộng mạng lưới phân phối và tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh, để tạo ra những sản phẩm hàng bình ổn ngày càng chất lượng hơn.