TP.HCM phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD
- Trong giai đoạn 2011-2015, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân là 17%/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm (không tính dầu thô) đạt 100 tỷ USD; tiếp tục giữ vững tốc độ xuất khẩu nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao, thúc đẩy tăng trưởng nhóm hàng tiềm năng và phát triển nhóm hàng dịch vụ phục vụ xuất khẩu; tăng tỷ trọng xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Á… Ngoài ra, các sở, ngành cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố tiếp tục tập trung triển khai:chương trình hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ phần mềm nhằm nâng cao giá trị gia tăng chuyển hướng từ gia công phần mềm sang sản xuất; hình thành trung tâm logistics tại cảng Cát Lái… Sở Công Thương thành phố cho biết tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2006-2010 tăng 18,5%/năm, vượt mục tiêu đề ra (17,4%/năm). Các nhóm hàng hóa bình quân tăng 20,8%/năm, năm 2010 kim ngạch đạt 3,49 tỷ USD, tăng 26% và chiếm tỷ trọng 22,2%. Riêng nhóm nông-lâm-thủy sản tuy gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ cũng như rào cản về kỹ thuật và thuế quan của các nước nhập khẩu, đồng euro mất giá nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 18,7%/năm, vượt mục tiêu đề ra (7,3%/năm). Trong khi đó, do bị ảnh hưởng của giá nguyên liệu tăng, sức cạnh tranh giảm nên nhóm ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân chỉ tăng 17,5%/năm, thấp hơn mục tiêu chương trình (21,7%/năm). Thị trường xuất khẩu chính cho các mặt hàng chủ lực của thành phố như nông sản, dệt may, giày dép, thủy sản, sản phẩm máy tính và linh kiện điện tử… vẫn là Hoa kỳ, ASEAN, EU, Nhật Bản, Trung Quốc. Trong đó, năm 2010 được xem là năm thành công của nhiều mặt hàng xuất khẩu, dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD (tăng 20%); da giày đạt 1,2 tỷ USD (tăng 20,8%)… Theo đánh giá của các sở, ngành cơ cấu hàng xuất khẩu trên địa bàn thành phố có sự chuyển dịch tăng dần sản phẩm chế biến, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và thị trường xuất khẩu mở rộng, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường tăng. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, chủ yếu là sản phẩm gia công, ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, giá trị chế biến thấp nên khó tăng mạnh về kim ngạch. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ bất cập, lãi suất huy động vốn trên địa bản đang điều chỉnh theo xu hướng tăng gây áp lực đối với chi phí hoạt động kinh doanh./.
Theo Vietnam+