CôngThương - Một câu hỏi hay trong ngày. Câu trả lời là có đấy ông ạ.
- Vậy ông nói ngay đi...
- Là chuyện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đó.
- Liệu có cũ quá không? Sao không kiếm được cái chủ đề nào “hot” một chút?
- Cũ mà vẫn “hot”, thế mới hay chứ ông?
- Chắc lại bàn chuyện doanh nghiệp làm từ thiện tặng nhà tình nghĩa, tài trợ vùng nghèo, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam.
- Đến ông mà còn hiểu như thế thì hèn gì chuyện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở ta cứ mãi luẩn quẩn đầu vào, nấn ná đầu ra. Thiên hạ người ta nghĩ khác lâu rồi.
- Họ bảo sao?
- Họ nói thế này, cái vẫn được gọi là trách nhiệm xã hội, nói nôm na là cam kết đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội. Ông có nghĩ như vậy không?
- Cũng có thể. Nhưng nhiều ông doanh nghiệp vẫn cãi mục đích tối thượng là lợi nhuận, cái cam kết hay chia sẻ đó là quyền của “chúng tôi” chứ.
- Tôi lại nghĩ khác. Bản thân doanh nghiệp sử dụng lao động, làm ra sản phẩm bán cho cả xã hội dùng. Cho nên sản xuất suy cho cùng cũng là hoạt động vì xã hội đấy chứ ông?
- Lại cái bệnh vĩ mô. Tôi thì cứ thích cụ thể. Ông nhớ chuyện Vedan xả nước thải thẳng ra sông chứ?
- Ồ, có. Nhưng sao?
- Tôi nhớ hồi mới đến Việt Nam, thập niên 90 của thế kỷ trước, ông giám đốc công ty này hùng hồn “chém gió”, đại để, chúng tôi đến đây để ở lại đây. Thôi thì thương hiệu đúng là có thể ở lại, nhưng họ cũng vẫn cần ở lại để khắc phục ô nhiễm. Đấy, ai bảo chuyện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là cũ?
- Cũng có lý. Nhưng thời buổi kinh tế đang khó khăn, nhiều doanh nghiệp lo ngay ngáy chuyện làm ăn. Gợi chuyện trách nhiệm xã hội với bảng kê những chi phí cho áp dụng các bộ tiêu chuẩn, rồi lo cho người lao động, liệu có “hợp mốt” không?
- Tôi thì lại nghĩ khác ông. Thương hiệu là chuyện dài lâu, trách nhiệm xã hội cũng thế. Mà hai anh này lại liên quan mật thiết với nhau đấy.
- Vậy theo ông thì nên làm gì?
- Tôi cho là khâu tuyên truyền về các bộ quy tắc ứng xử là cần nhất bây giờ, để doanh nghiệp hiểu được đó cũng là chi phí đầu tư chứ không phải là “từ thiện”.
- Trách nhiệm xã hội đúng là chuyện thiết thân của doanh nghiệp, ông nhỉ?