"Trái đắng" góp vốn đầu tư với lợi nhuận "khủng": Đừng để mất tiền oan vì thiếu hiểu biết
Thời gian gần đây, nhiều người dân phản ánh tình trạng huy động vốn thông qua các hình thức như đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền điện tử, bất động sản… có dấu hiệu lừa đảo, huy động vốn trái phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Đơn cử, chị L.T.N (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, vào tháng 10/2022, chị được một tư vấn viên của Công ty cổ phần F.H tư vấn tham gia đầu tư vào công ty trong vòng 1 năm và sẽ được nhận lãi suất 13%/năm. Sau khi được tư vấn viên quảng bá về tầm nhìn và chiến lược phát triển trong tương lai khi đầu tư vào công ty, chị N. đã ký Hợp đồng hợp tác chiến lược giá trị là 160 triệu đồng.
Sau khi ký hợp đồng, chị được công ty trao “Giấy chứng nhận hợp tác chiến lược”, có đầy đủ dấu và chữ ký của vị Chủ tịch công ty. Tuy nhiên, do nhận thấy có nhiều dấu hiệu bất thường trong quá trình hoạt động của công ty này, chị N. muốn rút tiền và chấp nhận chịu phạt, nhưng công ty thông báo là không thể chi trả được. Lý do công ty đưa ra là bởi, tình hình tài chính không được tốt, các khoản đầu tư đều đóng băng và không có dòng tiền để chi trả.
Theo tìm hiểu, không chỉ có chị N. mà nhiều nhà đầu tư khác đã đến kỳ hạn thanh toán gốc lãi, nhưng công ty không thể chi trả. Sau đó, nhiều nhà đầu tư đã kéo đến công ty yêu cầu được gặp ban lãnh đạo để làm việc, nhưng đến nay, chị N. và nhiều người khác đang hoang mang không biết có lấy lại được số tiền gốc, lãi của mình đã đầu tư hay không.
Nhiều công ty đưa ra các chương trình mời gọi hấp dẫn nhưng tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư |
Trước đó, cơ quan chức năng cũng đã lên tiếng cảnh báo nhiều doanh nghiệp quảng cáo hoạt động đa ngành, nhưng thực chất vận hành theo hình thức huy động vốn của khách hàng với lãi suất cao giống “đa cấp” và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Gần đây nhất, các cơ quan truyền thông phản ánh, Tập đoàn Bankland đã bị cáo buộc vẽ ra các dự án bất động sản ở huyện Thường Tín (Hà Nội) và tự phát hành 10.000 tỷ cổ phiếu để lừa hàng nghìn nhà đầu tư, chiếm đoạt tài sản. Sau đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc và đang điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật, nhằm chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư.
Từ những vụ việc trên có thể thấy, điểm chung là các tổ chức, cá nhân lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhà đầu tư. Các đối tượng “đội lốt” doanh nghiệp đa ngành và thường vẽ ra các dự án lớn có quy mô rộng, nhưng thực chất không có hoạt động kinh doanh gì. Thậm chí, các đối tượng còn vẽ ra những mục tiêu rất lớn và có cả kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế danh tiếng và đưa ra những hình ảnh về người đi trước thành công hay những ưu đãi hấp dẫn như tặng nhà, xe... nhằm huy động vốn của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, những con số đáng mơ ước mà họ vẽ ra chỉ là “bánh vẽ” và khách hàng cần tỉnh táo, tìm hiểu trước khi bỏ ra hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng vào đầu tư. Bởi vì, mức lợi nhuận các công ty đưa ra cho các gói đầu tư là cao một cách bất thường, thậm chí cao gấp 6 - 7 lần lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, phương thức huy động vốn của các công ty đó là tiền gửi đa cấp. Đây là hình thức dùng tiền người gửi trước để trả cho người gửi sau, điều này ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Đến một thời điểm nào đó, những công ty này sẽ không huy động được vốn nữa, sẽ dẫn đến tình trạng vỡ nợ. Chính vì thế, các nhà đầu tư không dễ gì mà kiếm được lợi nhuận “khủng”, khi tham gia góp vốn đầu tư với những hình thức như trên.
Vì vậy, để hạn chế rủi ro, trước khi tham gia góp vốn đầu tư, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về các dự án đầu tư, tổ chức huy động vốn, giấy tờ pháp lý như giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh... Đặc biệt, nhà đầu tư cần cảnh giác và nắm rõ các thủ đoạn một số đối tượng lừa đảo thường sử dụng để kêu gọi vốn. Việc này sẽ giúp các nhà đầu tư có thể tránh sập bẫy lừa đảo huy động vốn trái pháp luật vào đầu tư tài chính, tiền ảo, dự án bất động sản “ma”...
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt công tác quản lý và xử lý nghiêm những hành vi huy động vốn trái phép, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, cảnh báo các hình thức lừa đảo, kêu gọi đầu tư “núp bóng” dưới hình thức huy động vốn trái phép.