TikToker Tần Nguyễn với những phát ngôn phản cảm
Tần Nguyễn đang là cái tên được cộng đồng mạng quan tâm, một TikToker đăng tải rất nhiều hình ảnh, clip lên mạng xã hội với nội dung về dạy cách làm giàu theo phong cách "chợ búa", sử dụng từ ngữ khiến nhiều bạn đọc khó tính phải cau mày, "chướng tai gai mắt".
Kênh Tiktok "Tần Nguyễn VALUE INVEST" hiện có hơn 1,1 triệu tài khoản theo dõi. Với một mạng xã hội chủ yếu dành cho các bạn trẻ dùng để giải trí, những clip giảng dạy về cách kiếm tiền, chia sẻ quan điểm sống, phát triển công việc, sự nghiệp mang thiên hướng lạ mà TikToker Tần Nguyễn đăng tải sẽ tác động đến suy nghĩ và hành động của bộ phận giới trẻ theo dõi.
Tần Nguyễn đã thành lập 3 công ty: Công ty Cổ phần Đào tạo GFB (tháng 4/2015), Công ty Cổ phần GFB Invest (tháng 6/2019) và Công ty Cổ phần Đầu tư giá trị Toàn cầu Tần Nguyễn (tháng 1/2024). (Ảnh minh họa) |
Lấy ví dụ, diễn giả này từng có những phát ngôn với từ ngữ gây xúc phạm người dân Thanh Hóa, đề cao kiếm tiền và coi thường học vấn... như Vuasanca đã phản ánh trong các bài viết trước đó. Thật khó tin, những ngôn từ như: "Bất hạnh của cái bọn Thanh Hoá là bọn nó nghèo lắm, cho nên ai cũng ghét Thanh Hoá", "mắt của nó cứ long sòng sọc như quạ vào chuồng lợn"... lại có thể được "thầy dạy làm giàu" Tần Nguyễn "phát sóng" công khai lên mạng xã hội.
Phải chăng, chiến lược đánh vào tâm lý đám đông bằng những ngôn từ gây sốc, phản cảm của Tần Nguyễn là cách để TikToker này lôi kéo được sự quan tâm của người nghe, thay vì thể hiện ra những kiến thức thực tế có được thông qua rèn luyện, học tập và tích lũy kinh nghiệm?
"Chuyên gia tài chính" tự phong
Theo tìm hiểu của Vuasanca , Tần Nguyễn tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tần, sinh năm 1974, nguyên quán Ninh Bình. Ngoài kênh TikTok, Tần Nguyễn còn xây dựng hệ thống mạng xã hội từ Youtube đến Facebook để tăng sức mạnh lan tỏa những hình ảnh, clip của mình.
Tần Nguyễn thể hiện hình tượng là doanh nhân thành công, chuyên gia đầu tư tài chính, cố vấn tài chính sở hữu kiến thức sâu rộng, vững vàng về chuyên môn dù chỉ học hết lớp 12. Chính vì thế, Tần Nguyễn thường nói trên video của mình rằng không phải cứ học đại học, học cao hơn nữa là mở được công ty, mà không có gì bằng "trường đời", những người kinh doanh thực sự.
Ở clip đăng tải ngày 22/7, Tần Nguyễn "khoe khéo" trước học viên (gọi Tần Nguyễn là thầy) là bản thân có thể đạt mức lợi nhuận tương đương "1 chiếc camry" từ việc đầu tư 1 mã cổ phiếu và giữ nó trong 2 tháng. Chưa rõ đây là mã cổ phiếu nào và số tiền Tần Nguyễn đã rót cụ thể bao nhiêu. Chỉ biết, vị cố vấn tài chính học hết lớp 12 đã "phím" cổ phiếu này, đồng thời ngụ ý về khả năng sẽ giúp người học viên may mắn sớm có "1 chiếc camry" nếu đầu tư theo "thầy".
Tuy nhiên, cú "flex" đó còn rất "khiêm tốn" so với những gì Tần Nguyễn khoe mẽ trong một clip đăng tải lên mạng xã hội TikTok cùng ngày. Không chỉ giúp đỡ người Việt làm giàu, rất bất ngờ "chuyên gia tài chính" Tần Nguyễn còn đem sự "rủng rỉnh" tới cho cả cộng đồng học viên nước ngoài.
"Tần Nguyễn đã giúp cho hàng trăm, hàng nghìn nhà đầu tư thành công trên khắp thế giới. Nhiều người đã gửi lời cám ơn Tần Nguyễn, chỉ có những 'thằng' chưa bao giờ học Tần Nguyễn mới công kích Tần Nguyễn và họ sẽ nghèo khó suốt đời mà thôi. Chúc mừng cho tất cả những anh chị đã học Tần Nguyễn và thành công", nguyên văn những phát ngôn của TikToker này.
Dĩ nhiên, người thông thái hẳn sẽ khó tin những lời quảng cáo "ngạo mạn", thiếu dẫn chứng của Tần Nguyễn trong thời buổi công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay. Người nghe sẽ dễ dàng nhận ra lỗ hổng kiến thức căn bản của vị cố vấn tài chính Tần Nguyễn nếu dành chút thời gian kiểm chứng qua các công cụ tìm kiếm trên mạng. Chẳng hạn, Tần Nguyễn khi phân tích về tiềm năng của các mã cổ phiếu như BMP (Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh) hay VNM (Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk)... "hồn nhiên" thống kê mã BMP đã tăng giá gấp 10 lần trong 4 năm qua, mặc dù trên thực tế chỉ tăng khoảng 2,5 lần (từ 36.000 đồng/cp lên 93.000 đồng/cp).
Hoặc, Tần Nguyễn nói "chắc nịch" rằng khối ngoại đang sở hữu tới 65% cổ phần Vinamilk và vẫn muốn tăng thêm tỷ lệ kiểm soát. Dư luận đặt câu hỏi về số liệu mà Tần Nguyễn viện dẫn, bởi vì theo báo cáo thường niên 2023 của Vinamilk, các nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 46,1% cổ phần, còn lại 53,9% cổ phần thuộc về nhà đầu tư trong nước, dẫn đầu là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với 36%.
Đây là thông tin cơ bản nhất mà nhà đầu tư cổ phiếu nắm chắc và ít khi nhầm lẫn nếu đã dành công sức nghiên cứu nghiêm túc. Các mốc tỷ lệ sở hữu cổ phần như 35%, 50% và 65% tại doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, đổi lại quyền và nghĩa vụ tương ứng.
Công ty của Tần Nguyễn toàn thua lỗ
Tài liệu Vuasanca có được cho thấy, tới nay, Tần Nguyễn đã thành lập 3 công ty và đều giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, bao gồm: Công ty Cổ phần Đào tạo GFB (tháng 4/2015), Công ty Cổ phần GFB Invest (tháng 6/2019) và Công ty Cổ phần Đầu tư giá trị Toàn cầu Tần Nguyễn (tháng 1/2024).
Công ty Đào tạo GFB là đóng vai trò là "cái nôi" ươm mầm cho sự nghiệp của Tần Nguyễn, có số vốn điều lệ "dè dặt" ở mức 1,9 tỷ đồng, trong đó 90% cổ phần thuộc về Nguyễn Văn Tần. 10% sót lại chia đều cho bà Phạm Thị Minh Thơ (SN 1975) - vợ Tần Nguyễn và ông Phạm Minh Tuấn (SN 1984) cầm giữ.
Trước năm 2023, Công ty Đào tạo GFB của Tần Nguyễn trầy trật trong hoạt động kinh doanh, liên tục báo lỗ với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Đến hết năm ngoái, doanh nghiệp mới tăng doanh thu lên 2,9 tỷ đồng, đồng thời có lãi sau thuế 453 triệu đồng, khởi sắc hơn so với giai đoạn cũ. Vậy nhưng, Công ty Đào tạo GFB vẫn chưa xóa được số lỗ tồn đọng lúc trước, cuối năm 2023 vẫn tiếp tục lỗ lũy kế gần 100 triệu đồng.
Vì vậy, vốn chủ sở hữu của Công ty Đào tạo GFB chỉ còn 1,805 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc vợ chồng chuyên gia tài chính Tần Nguyễn đang tạm lỗ ở đây gần 100 triệu đồng sau gần 10 năm hoạt động.
"Sinh sau đẻ muộn", Công ty GFB Invest cũng chẳng khá khẩm hơn Công ty Đào tạo GFB là bao. Suốt 5 năm ra đời, lạ lẫm rằng Công ty GFB Invest chưa thu về bất cứ 1 đồng nào, mà chỉ chi ra mỗi năm vài triệu đồng làm chi phí duy trì vận hành. Ôm số lỗ hơn 110 triệu đồng là kết cục khó tránh khỏi của Công ty GFB Invest, tính đến cuối năm 2023.
Đáng chú ý, với số vốn điều lệ 2 tỷ đồng, Công ty GFB Invest đang cõng số nợ phải trả 4 tỷ đồng, cao hơn 2 lần vốn mà "ông chủ" Tần Nguyễn rót vào đây. Thậm chí vào năm 2020, tổng nợ của Công ty GFB Invest lên tới trên 10 tỷ đồng, tương đương sự chênh lệch là 5 lần, phản ánh sự "đói vốn" và thiếu vững chắc về tài chính của doanh nghiệp.
Cuối cùng là Công ty Đầu tư giá trị Toàn cầu Tần Nguyễn, pháp nhân được thành lập hồi đầu năm nay với số vốn Tần Nguyễn cùng vợ và con trai Nguyễn Hữu Hiệp (SN 2000) góp vào cũng dừng ở mức 2 tỷ đồng. Còn quá sớm để đưa ra bất cứ dự báo nào về hoạt động kinh doanh của Công ty Đầu tư giá trị Toàn cầu Tần Nguyễn, hy vọng tại đây TikToker Tần Nguyễn sẽ tìm thấy sự bứt phá cho sự nghiệp của mình.