Trái phiếu Chính phủ được xem là kênh sinh lời của nhà đầu tư ngoại |
Theo kế hoạch, năm 2016 Kho bạc Nhà nước (KBNN) sẽ phát hành 220.000 tỷ đồng TPCP. Tuy nhiên chỉ trong 6 tháng đầu năm, kênh huy động vốn này đã hút một dòng tiền lớn nên KBNN đã quyết định điều chỉnh tăng kế hoạch phát hành TPCP thêm 30.000 tỷ đồng, lên 250.000 tỷ đồng. Dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu chính phủ (VBMA) cho biết, tại thời điểm cuối tháng 6, tổng giá trị lưu hành của TPCP, TPCP bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương là 869.808 tỷ đồng. Giá trị lưu hành của TPCP đạt 708.107 tỷ đồng, chiếm 81,41%, TPCP bảo lãnh là 137.191 tỷ đồng, chiếm 15,77% và trái phiếu chính quyền địa phương là 24.510 tỷ đồng, chiếm 2,82% toàn thị trường.
Với lãi suất khá cao, thời hạn trái phiếu đa dạng, tính thanh khoản tốt đã khiến TPCP luôn có sức hút với nhà đầu tư. Hầu hết các phiên đấu giá TPCP được tổ chức, lượng đăng ký mua luôn nhiều hơn lượng bán ra. Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, từ nửa cuối tháng 7/2016, KBNN tiếp tục chào bán 6.000 tỷ đồng TPCP ở các kỳ hạn 5, 7 và 15 năm. Tỷ lệ đăng ký đều đạt trên 100% ở tất cả các kỳ hạn. Trái phiếu 15 năm có tỷ lệ trúng thầu 100% (1.500 tỷ đồng). Kỳ hạn 5 và 7 năm có tỷ lệ trúng thầu cũng khá cao, lần lượt là 90% (2.700 tỷ đồng) và 77% (1.155 tỷ đồng). Thanh khoản trên thị trường thứ cấp tăng 24,1% khi lượng giao dịch thông thường (Outrights) và giao dịch mua bán lại (Repos) cùng tăng, tương ứng 11,3% và 51,2%. Theo nhận định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường TPCP 6 tháng đầu năm có những bước phát triển tích cực trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Tính tới thời điểm hiện tại, tổng khối lượng huy động TPCP đạt 81,3% so với kế hoạch cả năm của Bộ Tài chính với số tiền ước đạt trên 206.878 tỷ đồng.
Điều đáng nói là không chỉ các ngân hàng thương mại đầu tư nhiều vào TPCP, mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến hàng hóa này trên thị trường thứ cấp. Liên tiếp trong tháng 6 và 7/2016, diễn ra xu hướng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Tính từ đầu năm đến ngày 25/7, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 17.057 tỷ đồng trên thị trường TPCP.
Một điểm sáng nữa của thị trường TPCP là lợi suất khá hấp dẫn và giữ ổn định, nhất là những kỳ hạn dài có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, lợi suất các kỳ hạn 5 năm và 10 năm tăng nhẹ, ở mức 6,16% và 7%/năm; riêng kỳ hạn 7 năm và 15 năm hiện xoay quanh mức 6,6% và 7,6%/năm. Tuy nhiên, đáng lưu ý là TPCP kỳ hạn 5 năm đã phát hành 93,6% so với kế hoạch mới (145.000 tỷ đồng). Nghị quyết của Quốc hội chỉ cho phép phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở xuống không quá 30% tổng lượng trái phiếu bán ra trong năm (250.000 tỷ đồng).
Quý III/2016, KBNN sẽ phát hành tổng khối lượng 50.000 tỷ đồng TPCP, gồm 5.000 tỷ đồng kỳ hạn 3 năm, 22.000 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm, 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 năm, 2.000 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm, 7.000 tỷ đồng kỳ hạn 15 năm, 1.000 tỷ đồng kỳ hạn 20 năm và 3.000 tỷ đồng kỳ hạn 30 năm.
Để thị trường TPCP phát triển tốt hơn, thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ thực hiện nhiều giải pháp như: Ban hành các sản phẩm mới, hoàn thiện Thông tư thay thế Thông tư 234/2012/TT-BTC, nghiên cứu cải thiện tính thanh khoản của thị trường bằng cách phát triển các nhà tạo lập thị trường, phát triển nghiệp vụ mua đi - bán lại, chuyển chức năng thanh toán TPCP về Ngân hàng Nhà nước.
Theo Kho bạc Nhà nước, cơ cấu nhà đầu tư TPCP đã đa dạng hóa khi có sự góp mặt của cả ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư. |