Trái phiếu doanh nghiệp sẽ hồi phục cuối năm 2023 nếu ngân hàng không đứng ngoài cuộc
Trong báo cáo vừa phát hành, FiinGroup cho rằng, nửa đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể sớm sôi động trở lại. Trong tháng 1/2023, thị trường chỉ chứng kiến duy nhất một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị chỉ bằng 0,5% cùng kỳ năm ngoái.
Về triển vọng nửa cuối năm nay, nhóm chuyên gia phân tích FiinGroup cho rằng, thị trường chưa thể hồi phục. Tuy vậy, nửa cuối năm 2023, thị trường có thể có chuyển biến nếu có những yếu tố hỗ trợ.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai chính sách tín dụng bất động sản. Theo đó, bên cạnh cho vay tín dụng cho doanh nghiệp theo room tín dụng mới năm 2023, FiinGroup kỳ vọng một số các ngân hàng thương mại có xếp hạng tín nhiệm tốt bởi Ngân hàng Nhà nước có thể khôi phục lại hoạt động đầu tư và kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp theo Thông tư 13 có hiệu lực từ ngày 15/1/2022.
Ngoài ra, khi vấn đề pháp lý dự án bất động sản được tháo gỡ và điều khoản cho phép dãn nợ trái phiếu 24 tháng theo dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được áp dụng, giải ngân cho vay và tín dụng dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp có thể được một số các tổ chức tín dụng triển khai trở lại, bao gồm cả hoạt động tái cơ cấu nợ qua hình thức trái phiếu doanh nghiệp.
Dư nợ tín dụng bất động sản tăng cao trong mấy năm qua (tăng 24,27% so với cuối năm 2021 và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế) và dự nợ trái phiếu doanh nghiệp ngoài hệ thống ngân hàng khoảng 4% trên dự nợ tín dụng. Điều này đã tạo lên những quan ngại cho rủi ro an toàn hệ thống và vi phạm chéo về nghĩa vụ nợ dẫn đến nợ xấu gia tăng.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu kỳ vọng vẫn sẽ có sự tăng trưởng tín dụng bất động sản một cách chọn lọc từ phía các tổ chức tín dụng cũng như từ phía các doanh nghiệp đi vay. Điều này sẽ là giải pháp tốt cho thị trường và cho cả hai phía là ngân hàng và doanh nghiệp.
Thứ hai, Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP đi vào hiệu lực, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu nợ trái phiếu. Tuy vậy, điểm mấu chốt là các doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc nợ cần minh bạch thông tin về mục đích sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp cho hoạt động tái cơ cấu nợ ở các chương trình dự án cụ thể theo yêu cầu của Nghị định 65.
FiinGroup cho rằng, quá trình này sẽ có sự hỗ trợ bởi Ngân hàng Nhà nước thông qua các tổ chức tín dụng, trong đó chấp nhận chưa hạ chuẩn phân loại nợ vào nợ xấu cho các doanh nghiệp vẫn đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện cho vay, song song với việc thỏa thuận với trái chủ về việc giãn kỳ hạn thanh toán nợ cùng với các điều khoản mới đi kèm. Việc triển khai biện pháp chính sách này sẽ rất cần thiết trong thời gian tới.
Áp lực thanh khoản của doanh nghiệp càng hiện rõ về giai đoạn cuối 2022 khi thị trường đã chứng kiến 12 doanh nghiệp phát hành ngành bất động sản và năng lượng đã chính thức được công bố là vi phạm nghĩa vụ nợ (chậm trả lãi và/ hoặc gốc). Việc triển khai đồng bộ giữa việc triển khai tín dụng bất động sản và tái cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp sẽ góp phần giải quyết một phần áp lực đáo hạn 205.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 này, trong đó 104.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn từ các doanh nghiệp bất động sản.
Thứ ba, các biện pháp tháo gỡ về pháp lý bất động sản sẽ được triển khai. Đây là điểm nghẽn lớn nhất của thị trường bất động sản. Do đó, việc rà soát và tháo gỡ pháp lý nhất là cho Bất động sản sẽ là chìa khóa cho sự khôi phục của không chỉ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng bất động sản mà cả hoạt động tự điều tiết như chuyển nhượng dự án.
Bởi khi yếu tố pháp lý bất động sản chưa được giải quyết, doanh nghiệp không thể mở bán cho dù chấp nhận giảm giá bán và dẫn tới nguồn thu lớn nhất là từ khách hàng mua nhà chưa được khơi thông. Việc tiến độ giải quyết thủ tục bị kéo dài khiến việc triển khai nhiều dự án bị chậm tiến độ.
Thực tế cho thấy, số cung căn hộ mới đã giảm từ 112.000 căn vào năm 2018 xuống còn 20.000 căn vào năm 2022. Ngoài ra, số ngày quay vòng hàng tồn kho bình quân của doanh nghiệp bất động sản cũng tăng 1,38 lần sau 5 năm, kéo dài thời gian thu hồi vốn của doanh nghiệp. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của bản thân chủ đầu tư, gây suy giảm khả năng thực hiện các nghĩa vụ nợ.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ có những chính sách cụ thể về việc giảm lãi suất cho vay đối với với người mua nhà, nhất là cho phân khúc hạng trung trở xuống đến nhà ở xã hội. Điều này nên được thực hiện song song cùng các biện pháp khác như tháo gỡ pháp lý bất động sản do đây là nguồn thu lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản, chứ không phải là tín dụng ngân hàng hay trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, cần hiệu lực hóa các biện pháp chống đầu cơ bất động sản nhà ở như một số kiến nghị, bao gồm đánh thuế sở hữu nhiều tài sản bất động sản hay đánh thuế sở hữu bất động sản siêu cao cấp hoặc biệt thự…”, nhóm phân tích kiến nghị.
FiinGroup cũng cho rằng, Chính phủ nên triển khai các giải pháp mang tính kiểm soát chu kỳ tín dụng khép kín. Theo đó, tín dụng chảy từ ngân hàng đến người mua nhà đến chủ đầu tư rồi quay về để ngân hàng kiểm soát đúng dòng tiền. Giải pháp này nên được khuyến khích nhằm giúp hoạt động này diễn ra mạnh mẽ và phổ biến hơn cho các dự án đang tồn đọng hiện nay.
Thực hiện được giải pháp này một cách hiệu quả sẽ đem lại lợi ích cho người dân mua nhà với yêu cầu giảm giá với chủ đầu tư, ngân hàng kiểm soát được tốt hơn rủi ro tín dụng, chủ đầu tư bán được hàng góp phần khôi thục đồng thời cả thị trường vốn và thị trường bất động sản. Dĩ nhiên, không chỉ có ngân hàng giảm lãi suất cho vay mua nhà mà chủ đầu tư cũng phải cam kết có chính sách giảm giá hợp lý và giảm biên lợi nhuận để hài hòa lợi ích chung của các bên.