Theo thống kê của chuyên viên phân tích Chứng khoán VPBS Bảo Ngọc, trong thời gian qua, các DN phát hành lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất bao gồm Masan Consumer Holdings với 9.000 tỷ đồng, tập đoàn Vingroup với 2.000 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Cầu đường CII (LGC) với 1.200 tỷ đồng… Hầu hết trái phiếu doanh nghiệp được phát hành với kỳ hạn dưới 5 năm. Do chính phủ đã dừng phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn, nên trái phiếu doanh nghiệp thu hút người mua.
Lợi suất trái phiếu chính phủ và các mức lãi suất cho vay đã đạt giá trị thấp nhất trong nửa đầu năm nay và tăng dần về cuối tháng 6. Lợi suất trái phiếu thấp là nhân tố chủ yếu thúc đẩy các DN phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều DN có nhu cầu tăng vốn để mở rộng quy mô hoạt động khi điều kiện vĩ mô cải thiện. Nổi bật là các DN trong lĩnh vực BĐS và hạ tầng thực hiện phát hành 27,4% tổng giá trị khối lượng trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm.
Có thể nói sự sôi động của thị trường BĐS là một trong những động lực khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp đột biến. Bên cạnh những Cty phát hành TP nêu trên, những cái tên quen thuộc trên thị trường M&A như Địa ốc Đất Xanh, Thủy sản Hùng Vương… cũng đã phát hành TP huy động vốn để thực thi các thương vụ mua lại dự án hoặc DN. Các đợt phát hành trái phiếu quốc tế trị giá lớn cũng được diễn ra với những DN có quỹ đất tốt nhưng dự án bị đình trệ như CTCP Năm Bảy Bảy…
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của VPBS, mặc dù các đợt phát hành có sôi động nhưng nếu chỉ tính riêng các công ty niêm yết, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp dự kiến phát hành trong năm nay chưa thực hiện còn khoảng 10.410 tỷ đồng. VPBS cũng dự báo, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm nay sẽ tăng mạnh so với năm 2014.
Ông Đinh Thế Hiển - Chuyên gia Kinh tế - cho rằng thực tế chỉ những DN minh bạch và uy tín, mới có cơ hội huy động vốn lớn từ trái phiếu. Theo báo cáo về thị trường trái phiếu của Bộ Tài Chính vào tháng 8/2015, Bộ Tài chính đã trình chính phủ ký ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào năm 2020. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 507/QĐ-TTg ngày 7/4/2015 về Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Cũng theo Bộ Tài chính, tính đến 14/8/2015, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường là 140.938 tỷ đồng; trong đó khối lượng phát hành TP Chính phủ là 123.479 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch năm 2015; khối lượng phát hành trái phiếu được chính phủ bảo lãnh là 17.459 tỷ đồng, bằng 36% kế hoạch năm 2015; khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 11.148 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2015 là năm đầu tiên phát hành thành công trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm (kỳ hạn dài nhất từ trước tới nay) cho các công ty bảo hiểm nhân thọ với khối lượng phát hành trong tháng 7/2015 là 3.450 tỷ đồng.
Như vậy, với một thị trường mà tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp chưa tương đương nổi 10% tổng lượng phát hành trái phiếu chính phủ, rõ ràng việc xây dựng các cơ sở để hỗ trợ và thúc đẩy kênh huy động vốn lớn, dài hạn cho doanh nghiệp nói đi nói lại, cũng đang mới chỉ đặt ở “tầm nhìn”. Những DN muốn phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo như PNJ (bất lợi so với các DN địa ốc và hạ tầng), theo đó, hoặc phải là những DN rất tự tin ở sức hấp dẫn và năng lực trả nợ, dòng tiền của mình (trong 1 năm, không chuyển đổi), tự tin vào khả năng chuẩn bị hồ sơ chào đón nhà đầu tư, hoặc phải là DN hết sức… dũng cảm.