Nhiều ngân hàng đang hướng phát hành trái phiếu tới rộng rãi công chúng đầu tư |
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép phát hành trái phiếu ra công chúng và đang thực hiện chào bán trái phiếu với quy mô 2.000 tỷ đồng. Thời hạn của trái phiếu là 10 năm, nhưng có thể được rút ngắn còn 5 năm do Vietcombank có quyền mua lại trái phiếu sau 5 năm từ ngày phát hành. Trước đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm ra công chúng.
Đợt phát hành lần này của Vietcombank và một số đợt phát hành trái phiếu trước đó của các ngân hàng hướng tới rộng rãi công chúng đầu tư, trong đó có các cá nhân, doanh nghiệp, thay vì phát hành riêng lẻ, tập trung vào đối tượng là các nhà đầu tư chuyên nghiệp (tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư...). Trong đợt phát hành trái phiếu của ACB, các nhà đầu tư cá nhân tham gia với khối lượng đầu tư 285 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, các đợt phát hành trái phiếu ngân hàng ra công chúng đã và đang đem đến cho đông đảo công chúng đầu tư cơ hội tiếp cận với loại hình trái phiếu ngân hàng mà từ trước tới nay chủ yếu dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Trái phiếu ngân hàng được đánh giá có mức độ rủi ro thấp hơn đáng kể so với trái phiếu của các tổ chức kinh tế khác. Tuy vậy, việc huy động vốn trái phiếu trung và dài hạn không phải là chuyện dễ dàng với các ngân hàng bởi phần lớn cá nhân và doanh nghiệp có vốn nhàn rỗi ngắn hạn. Do đó, các ngân hàng đã nỗ lực thiết kế sản phẩm trái phiếu theo sát nhu cầu của khách hàng.
Một đặc điểm nổi bật là lãi suất trái phiếu cao hơn so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Chẳng hạn, lãi suất trái phiếu ACB công bố năm đầu là 8,5%/năm, cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm cá nhân 12 tháng trả sau do 4 ngân hàng tham chiếu công bố (gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank) là 2%/năm. Hay theo công bố thông tin chào bán trái phiếu của Vietcombank thì lãi suất trái phiếu cao hơn 1%/năm so với lãi suất bình quân tiền gửi tiết kiệm cá nhân trả sau 12 tháng của ngân hàng tham chiếu. Ngoài ra, cấu trúc trái phiếu có lãi suất thả nổi còn giúp nhà đầu tư có thể giảm thiểu rủi ro biến động lãi suất.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý về lợi suất thực nhận sau khi xem xét đến các loại thuế liên quan như: thuế thu nhập cá nhân 5% đối với tiền lãi trái phiếu nhận được, thuế chuyển nhượng trái phiếu thứ cấp 0,1% trên giá bán trái phiếu.
Một số đặc tính mới của trái phiếu cũng được bổ sung như: trái phiếu được sử dụng làm tài sản bảo đảm để vay vốn tại chính ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hoặc được hỗ trợ thanh khoản trên thị trường thứ cấp..., giúp nhà đầu tư không phải băn khoăn về tài chính khi cần vốn đột xuất trong thời gian nắm giữ trái phiếu.
Ví dụ, với trái phiếu đang chào bán, Vietcombank cho phép trái chủ cầm cố trái phiếu để vay vốn tại ngân hàng với lãi suất ưu đãi sau 2 năm kể từ ngày phát hành; sau 3 tháng kể từ ngày phát hành đến trước khi trái phiếu có thể cầm cố, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) sẽ là trung gian mua bán thứ cấp trái phiếu nhằm gia tăng tính thanh khoản cho trái phiếu. Có thể nói, nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu có kỳ hạn dài (10 năm) nhưng thực tế thời gian nắm giữ sẽ linh hoạt với cơ hội cầm cố, bán trái phiếu trên thị trường thứ cấp, hay được Ngân hàng mua lại, trong khi vẫn hưởng lãi suất cao của trái phiếu kỳ hạn dài.
Xét ở góc độ tổ chức phát hành là các ngân hàng thương mại, huy động vốn trái phiếu góp phần đa dạng sản phẩm huy động vốn. Đây có lẽ không phải là mục tiêu chính của các ngân hàng thương mại khi phát hành trái phiếu vì tình hình huy động vốn ở kênh truyền thống là tiền gửi trong thời gian qua cũng như hiện nay khá tốt cả về quy mô và chi phí vốn.
Huy động vốn trái phiếu với kỳ hạn dài được kỳ vọng giải quyết bài toán tăng vốn tự có của ngân hàng, bên cạnh việc huy động vốn cổ phần, để nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo chỉ tiêu an toàn vốn. Trong đợt phát hành trái phiếu của ACB hay kế hoạch phát hành trái phiếu của Vietcombank, các ngân hàng này đều lựa chọn phát hành trái phiếu đáp ứng các điều kiện để được ghi nhận vào vốn tự có (vốn cấp 2), giúp cải thiện hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo quy định.
Ngoài ra, huy động vốn trái phiếu giúp các ngân hàng giảm áp lực đối với việc tăng trưởng tài sản có sinh lời. Ngày 27/5/2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài. Theo đó, từ ngày 1/1/2017 đến 31/12/2017, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn tối đa là 50% và giảm về 40% từ ngày 1/1/2018. Đây sẽ là áp lực của các ngân hàng thương mại trong thời gian tới nếu tiếp tục phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Do vậy, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài sẽ giúp các ngân hàng giải quyết bài toán này.
Với tín hiệu khá tích cực từ thị trường và tính sáng tạo trong cấu trúc trái phiếu, dự báo sẽ có thêm nhiều ngân hàng thực hiện huy động vốn trái phiếu từ công chúng. Có thể hình thức, cấu trúc, điều khoản trái phiếu chào bán là khác nhau, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng và nâng cao năng lực tài chính cho chính ngân hàng. Hy vọng, trong thời gian tới, thị trường sẽ được chứng kiến những cải tiến không ngừng trong các sản phẩm trái phiếu để công chúng có thêm các cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn.