Thông tin trên được ông Đào Ngọc Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết tại hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện chính sách BHXH để cải thiện môi trường kinh doanh” diễn ra ngày 28/9 tại TP. Hồ Chí Minh.
Đại diện BHXH Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Theo ông Đào Ngọc Anh, từ 114 thủ tục hành chính BHXH vào năm 2013, đến nay ngành bảo hiểm đã cắt giảm được 75% thủ tục và chỉ còn 28 thủ tục. Đây là kết quả của đối thoại chính sách và bất hợp lý khi triển khai thực hiện. Theo kế hoạch, trong thời gian tới cơ quan BHXH sẽ tiếp tục giảm thủ tục, thành phần hồ sơ, đơn giản hóa biểu mẫu, tiêu chí để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.
Về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện tại CNTT của ngành đã kết nối với trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh và thực hiện giám định điện tử. Dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT của gần 100% dân số, tạo tiền đề xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, chậm nhất đến năm 2018 hoàn thành cấp mã BHXH thống nhất tiến tới mã số an sinh xã hội.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đánh giá: Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 19 NQ/CP, môi trường kinh doanh tại Việt Nam liên tục cải thiện, năm 2016 đã tăng 9 bậc với hầu hết các chỉ số tăng điểm hoặc tăng hạng và là mức cải thiện nhiều nhất kể từ năm 2008.
Mặc dù vậy, bà Thảo cho rằng, vẫn còn một số chỉ số chưa được cải thiện rõ rệt như: chỉ số thuế vẫn đứng hạng rất thấp trong khu vực ASEAN 4 và cần nhiều nỗ lực cải thiện hơn. Đáng chú ý là tỷ lệ thuế và BHXH/lợi nhuận cao (39,4%, trong đó BHXH… với mức thu nhập của người dân còn rất thấp.
Ngoài ra, hiện nay gánh nặng chi phí do tỷ lệ nộp BHXH cao, chiếm 24,8% lợi nhuận của DN là mức cao so với các quốc gia trong khu vực. Nguyên nhân là do tỷ lệ đóng BHXH cao so với mức lương của người lao động ở Việt Nam. Theo quy định hiện nay là 32,5% tiền lương của người lao động, trong đó DN đóng 22% song các DN ở Việt Nam lại chủ yếu là DN nhỏ và vừa.
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế - bà Nguyễn Thị Cúc - cho biết, qua khảo sát tại nhiều địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng… 100% DN được khảo sát đều đánh giá cao sự nỗ lực của BHXH Việt Nam cũng như BHXH các địa phương. Đặc biệt là nỗ lực về ứng dụng CNTT thông qua phần mềm do Bảo hiểm Việt Nam cung cấp, thực hiện giao dịch điện tử tiết kiệm được thời gian, chi phí… cho DN.
Song các DN cũng cho rằng nếu so sánh thì tỷ suất bảo hiểm bắt buộc trên thu nhập của DN Việt Nam cao hơn 2 lần so với ASEAN 6 (24,8%/11%). Đây là bất cập lớn bởi tỷ suất cao, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của các DN có vốn đầu tư nước ngoài do làm tăng yếu tố chi phí tiền lương tiền công, giảm năng lực cạnh tranh của DN tại Việt Nam. Điều này dẫn đến việc thu hút vốn FDI bị ảnh hưởng do sản phẩm sản xuất ở Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu.